(HNM) - Năm 2016, Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn theo Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Điểm mới trong lần điều chỉnh mức thu học phí và các chính sách hỗ trợ chi phí học tập này là sự thay đổi cách thức tiếp cận hỗ trợ.
Một giờ học lịch sử của học sinh THCS Tứ Liên, huyện Thanh Trì.Ảnh: Lê Tuấn |
Mức học phí thấp nhất trong khung
Theo Quyết định số 41/2015/ QĐ-UBND, từ năm 2016, việc thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội sẽ được áp dụng thống nhất theo ba mức: HS theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc khu vực thành thị là 60 nghìn đồng/HS/tháng; với khu vực nông thôn là 30 nghìn đồng/HS/tháng và khu vực miền núi là 8 nghìn đồng/HS/tháng. Trong đó, mức thu đối với khu vực thành thị và nông thôn được điều chỉnh tăng lần lượt ở mức 20 nghìn và 10 nghìn/HS/tháng so với năm 2015.
Có ý kiến băn khoăn rằng, việc quy định HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi phải đóng học phí, trong khi trước đây thì không, liệu có gây khó khăn cho phụ huynh? Theo chị Kiều Thị Hoa (phụ huynh HS Trường THPT Bắc Lương Sơn), gia đình chị và hầu hết phụ huynh trên địa bàn hiểu và chia sẻ với những chính sách về giáo dục bởi tất cả đều nhằm phục vụ trực tiếp cho việc học tập của con em họ ở trường. Hơn nữa, mức học phí cũng rất thấp, mỗi gia đình có hai con đi học thì cũng chỉ phải đóng 16 nghìn đồng/tháng, không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên của Hà Nội được xây dựng theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Giải đáp mối băn khoăn về sự điều chỉnh này, ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định, mức thu này của Hà Nội bằng mức thấp nhất trong khung quy định và đúng yêu cầu về thời điểm triển khai tại Nghị định.
Việc phân thành 3 mức đóng học phí, trong đó có bổ sung đối tượng HS tại các xã miền núi vào diện đóng học phí cũng là thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Riêng với giáo dục chuyên nghiệp, theo Quyết định 41/2015/QĐ-UBND thì mức học phí của sinh viên các trường này không tăng, nhưng điểm khác biệt là ở từng chuyên ngành đào tạo hoặc từng trường lại có quy định mức trần thu học phí khác nhau. Mức trần này cũng không vượt quá mức trần được quy định tại Nghị định 86/2015/ NĐ-CP. Căn cứ vào mức trần này, các trường, chuyên ngành đào tạo sẽ xây dựng mức thu học phí cụ thể của đơn vị mình sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành nghề đào tạo.
Tạo thuận lợi và bảo đảm công bằng
Từ năm 2016, Hà Nội áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho HS học tập, nhất là HS thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn. Có 15 đối tượng được miễn học phí hoàn toàn, trong đó, việc xác định HS thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được áp dụng theo quy định về chuẩn nghèo và cận nghèo của thành phố. Đây là điểm đặc thù của Hà Nội so với các địa phương khác.
Quyết định 41/2015/QĐ-UBND còn quy định việc giảm học phí cho 5 đối tượng. Theo đó, tùy theo đối tượng là HS thuộc diện chính sách hoặc HS theo học các ngành nghệ thuật truyền thống, các em sẽ được giảm từ 50% đến 70% mức học phí. Ngoài ra, còn có hai đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập, bao gồm: Trẻ em mẫu giáo, HS phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo.
Từ năm nay, mức hỗ trợ chi phí học tập được tăng từ 70 nghìn đồng/HS/tháng lên 100 nghìn đồng/HS/tháng. Số tiền này được áp dụng cho mỗi HS theo thời gian học thực tế, không quá 9 tháng/năm học. Về điểm này, em Nguyễn Thị Nga, Trường THPT Phúc Lợi cho biết: Việc được tăng mức hỗ trợ đã giúp em một số tiền cố định hằng tháng để mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập và các vật phẩm cần thiết trong sinh hoạt. Điều này đã tạo thêm động lực học tập, cũng là điểm tựa để em yên tâm đến trường, vơi bớt nỗi lo mưu sinh.
Điểm mới rõ rệt trong lần điều chỉnh mức thu học phí và các chính sách miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập này là sự thay đổi về cách thức tiếp cận hỗ trợ. Nếu như trước đây, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ được triển khai theo địa bàn, tức cứ là HS thuộc 13 xã miền núi và 2 xã giữa sông là được hưởng chế độ; còn tại Quyết định 41/2015/QĐ-UBND, những chính sách hỗ trợ này được áp dụng theo đối tượng cụ thể.
Trước ý kiến cho rằng với cách tiếp cận này, liệu đối tượng được hỗ trợ có bị thu hẹp hay không, ông Nguyễn Viết Cẩn giải thích: Cách thức này tạo thêm nhiều cơ hội cho những HS thuộc diện khó khăn, gia đình chính sách; tạo sự công bằng hơn cho các em bởi thực tế cho thấy ở ngay đồng bằng hay thành thị cũng có những trường hợp rất khó khăn. Với quy định mới, HS thuộc đối tượng ưu tiên ở khu vực nào cũng được hỗ trợ theo mức quy định của Nhà nước… Điểm đáng chú ý nữa là các chế độ này được hỗ trợ trực tiếp tới HS, vì vậy, dù các em thuộc diện chính sách, ưu tiên theo học ở trường công lập hay ngoài công lập thì cũng được bảo đảm quyền lợi. Đó là một minh chứng cho thấy Hà Nội luôn hướng tới mục tiêu tạo mọi thuận lợi và duy trì sự công bằng cho HS trong việc thụ hưởng giáo dục.
- Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND. - Với giáo dục nghề nghiệp, nhóm trường y tế có mức trần học phí cao so với hầu hết các nhóm ngành đào tạo hiện nay, cụ thể là 640 nghìn đồng/HS/tháng đối với bậc cao đẳng, 560 nghìn đồng/HS/ tháng đối với bậc trung cấp. Tùy theo bậc đào tạo và ngành nghề cụ thể, mức học phí thấp nhất được quy định tại Quyết định 41/2015/QĐ-UBND là 30 nghìn đồng/HS/tháng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.