(HNM) - Việc áp dụng mã số mã vạch của Hiệp hội Mã số Châu Âu (GS1 - hệ thống mã số mã vạch được công nhận trên toàn cầu) ngoài khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm của chính doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chính hiệu...
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phan Hồng Nga, phụ trách Văn phòng mã số mã vạch - GS1 Việt Nam về xác định nguồn gốc bằng mã số mã vạch.
Ứng dụng mã số mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đang là xu hướng chung. |
- Bà có thể đưa ra những đánh giá về hoạt động áp dụng mã số mã vạch GS1 trong việc xác định nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam hiện nay?
- Trước đây, việc áp dụng mã số mã vạch GS1 trong xác định nguồn gốc sản phẩm tại Việt Nam chưa thực sự được quan tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với nhiều sự kiện liên quan đến thực phẩm bẩn, thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ…, giải pháp xác định nguồn gốc bằng mã số mã vạch GS1 đã và đang được cộng đồng, xã hội đặc biệt chú ý. Nhưng hoạt động truy xuất bằng mã số mã vạch GS1 vẫn còn nhiều hạn chế, như mã số mã vạch chưa được chuẩn hóa về hình thức nội dung, thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và bảo đảm thông tin xác định nguồn gốc.
- Theo bà trong quá trình xác định nguồn gốc hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì?
- Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là họ chưa áp dụng tiêu chuẩn GS1 mà thường mua giải pháp xác định nguồn gốc từ nhiều nguồn khác nhau. Các giải pháp này nhiều khi mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm theo mã nội bộ riêng nên không mở cho các bên liên quan khác như hoạt động gia công, đóng gói, vận chuyển, siêu thị… Điều này dẫn đến tình trạng trên một sản phẩm bán trong siêu thị nhiều khi phải gắn nhiều loại tem xác định nguồn gốc, siêu thị phải bố trí nhiều máy quét mã vạch cho các loại tem, thông tin trên cùng một sản phẩm thường không nhất quán... Bên cạnh đó, hoạt động giám sát quá trình khai báo, cập nhật thông tin, in và dán tem chưa tốt cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xác định nguồn gốc.
Để giải quyết tình trạng nhiều loại tem có thể “chồng” nhiều lần trên cùng một sản phẩm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã và đang khẩn trương hoàn thành Đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng đề án triển khai thực hiện và quản lý thống nhất tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại Việt Nam” và “Xây dựng trung tâm dữ liệu mã số mã vạch quốc gia” để giải quyết các khó khăn trên.
- Việc áp dụng mã số mã vạch GS1 đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, thưa bà?
- Trước tiên việc áp dụng mã số mã vạch GS1 giúp định vị các sản phẩm có khiếm khuyết và không an toàn nhằm nhanh chóng loại bỏ chúng khỏi các giá để hàng. Nhờ thế doanh nghiệp có thể duy trì lòng tin của khách hàng đối với chất lượng nhãn hiệu (thương hiệu) sản phẩm ưa thích. Hiện nay, ngoài việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng xác định chính xác sản phẩm chính hãng, ở các nước phát triển trên thế giới và một số nước khu vực Đông Nam Á, mã số mã vạch GS1 còn trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cho chính doanh nghiệp đó. Mã số mã vạch GS1 - hay còn được gọi là ngôn ngữ thương mại toàn cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều lợi thế và là điều kiện tiên quyết để đưa hàng hóa vào trong siêu thị, đặc biệt là hướng tới các thị trường ngoài nước.
Với mã số mã vạch GS1 trên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ biết được thông tin về chủ thương hiệu và các thông tin thuộc tính quan trọng về sản phẩm đã được đăng ký. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể so sánh cùng một loại sản phẩm giữa nhiều nhà sản xuất khác nhau, nắm bắt nhiều thông tin xác nhận hàng thật, chính hãng giúp phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, việc áp dụng mã số mã vạch GS1 có thể nâng cao hiệu quả của việc trao đổi thông tin giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng với cơ sở dữ liệu chính xác và luôn được cập nhật. Các tiêu chuẩn GS1 sẽ cung cấp cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng khả năng kỹ thuật để phân định, theo dõi và xác định nguồn gốc sản phẩm, địa điểm xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng.
- Chỉ với mã số mã vạch GS1 được doanh nghiệp gắn trên sản phẩm, có xác định được nguồn gốc của sản phẩm hay không thưa bà?
- Tại Việt Nam, mã số mã vạch GS1 đầu 893 do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp được doanh nghiệp gắn trên sản phẩm giúp truy xuất được nguồn gốc chủ thương hiệu là ai, ở đâu, làm gì. Tuy nhiên, hệ thống mã số mã vạch GS1 là một hệ thống mở với rất nhiều công ty đa quốc gia hoạt động, nên để biết được nguồn gốc sản phẩm, ngoài mã số mã vạch GS1 trên sản phẩm còn phải căn cứ thông tin ghi trên nhãn hàng hóa. Đó là thông tin nước sản xuất bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa, vì chủ thương hiệu có quyền thuê nhân công ở quốc gia khác gia công và gắn mã số mã vạch của mình lên hàng gia công đó. Ví dụ xe máy Honda của Nhật có thể được sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc, Thái Lan hoặc quốc gia khác nhưng vẫn ghi mã của Honda Nhật theo ủy quyền của chủ thương hiệu Honda.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.