Văn hóa

Áo dài viết tiếp ước mơ

Phương Thúy 11/05/2024 - 09:54

Những năm 1930, những chiếc áo dài cách tân (áo dài Le Mur Cát Tường) ra đời, được đa số phụ nữ chấp nhận và lan truyền rất nhanh.

Cũng từ đó, hình ảnh chiếc áo dài trở thành nguồn cảm hứng sáng tác thi ca, hội họa, thời trang, nhiếp ảnh, điện ảnh... và là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Vẻ đẹp áo dài qua sáng tạo nghệ thuật

Trong những năm 1930, 1940, các họa sĩ tên tuổi như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu... đã có nhiều tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ trong tà áo dài. Bức “Chân dung cô Phương” (của họa sĩ Mai Trung Thứ) với hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài màu xanh ngọc, quần trắng, đã được bán với giá 3,1 triệu USD. Là những người có lòng tự tôn dân tộc, họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ... luôn ủng hộ mẫu thiết kế mà họ cho rằng có thể làm tôn lên dáng vẻ, phẩm chất của người phụ nữ Việt. Và cho đến khi sang Pháp sinh sống, hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài vẫn trở đi trở lại trong tranh của những danh họa này.

638504382509516224-nha-thiet-ke-viet-bao-voi-bo-suu-tap-ao-dai-ban-truong-ca-dai-ngan.jpg
Nhà thiết kế Viết Bảo với bộ sưu tập áo dài.

Trong số những tác phẩm của các danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, hiện có 3 bức tranh vẽ hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Bức “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân vẽ năm 1944; “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ trong gần 20 năm (1969 - 1989); bức “Dọc mùng” - cũng của Nguyễn Gia Trí, sáng tác năm 1939. Sau này, bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, “Mona Lisa” của Mai Trung Thứ, “Thiếu nữ bên hoa phù dung” của Nguyễn Gia Trí... cũng được nhắc đến nhiều với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của tà áo dài.

Các nghệ sĩ cũng là người tiên phong góp phần quảng bá áo dài - một biểu tượng văn hóa Việt Nam. Khi làm phim “Chị Tư Hậu” và được chọn dự thi Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1963, nghệ sĩ Trà Giang đã được may hai bộ áo dài để mặc khi tham dự liên hoan. Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, vải may áo dài không phong phú như bây giờ, bên cạnh việc may 2 chiếc áo dài, bà đã mượn áo dài của bạn bè để mặc thay đổi trong 1 tuần tham gia liên hoan phim. Bà vẫn nhớ như in cảm xúc hạnh phúc, hồi hộp khi xuất hiện trong bộ áo dài trên đường phố Mátxcơva và được rất nhiều phóng viên săn đón chụp ảnh.

“Khi ấy, người ta biết Việt Nam cũng có điện ảnh, có diễn viên, biết Việt Nam có trang phục truyền thống rất đẹp. Khi đó, "Chị Tư Hậu" là bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng quốc tế" - NSND Trà Giang nhớ lại. Từ đó về sau, bà luôn tự tin mặc áo dài trong các sự kiện quan trọng và trong sinh hoạt hằng ngày. Công chúng mến mộ bà, không chỉ nhớ tới Trà Giang trong phim “Chị Tư Hậu” mà còn trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, với hình ảnh cô Dịu mặc áo dài tham gia đấu tranh chính trị. Hình ảnh đó đã xuất hiện trang trọng trên báo chí Nhật Bản quảng bá về bộ phim này khi NSND Trà Giang đoạt giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1973.

Viết tiếp ước mơ thời hiện đại

Qua thời gian, áo dài vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang. Trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang trưng bày chiếc áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh với hình ảnh những bà mẹ Việt Nam anh hùng; chiếc áo dài của nhà thiết kế Lan Hương với những bông hoa đua nhau khoe sắc...

Các thế hệ nhà thiết kế nước ta, dù đã thử sức với nhiều loại trang phục khác nhau nhưng vẫn luôn dành sự trân trọng với thiết kế áo dài. Còn nhớ năm 2016, lễ hội áo dài với chủ đề "Áo dài của chúng ta" diễn ra tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã góp phần tạo ra tinh thần mới, giá trị mới cho áo dài Việt Nam khi các nhà thiết kế tham gia lễ hội đã lấy ý tưởng về các loài hoa để tạo nên bộ sưu tập của mình. Trong chương trình ấy, không chỉ người mẫu, nhà thiết kế mà cả các vị đại sứ, công chúng tham dự cũng mặc áo dài, hân hoan cảm nhận vẻ đẹp gần gũi, thanh cao của tà áo dài trong đời sống thường nhật.

638504382499219234-tranh-chn-dung-co-phuong-cua-hoa-si-mai-trung-thu.jpg
Tác phẩm “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Đầu năm nay, cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các nhà thiết kế cùng nhau kể chuyện nơi chốn thông qua tà áo dài. Một số nhà thiết kế tham gia sự kiện này sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, những mẫu áo dài mới nhất của họ mang trong mình câu chuyện về phố, về người. Nếu như nhà thiết kế Cao Minh Tiến đưa những bức ký họa Hà Nội của anh lên tà áo dài thì nhà thiết kế Chế Quyết Tiến lại hoài cổ với hoa văn gốm Bát Tràng cùng những màu đặc trưng như xanh lam, xanh bích, trắng ngọc, ẩn hiện trên những tà áo dài, mong cầu cuộc sống bình yên. Nhà thiết kế Ngọc Hân đưa tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng lên bộ sưu tập áo dài của mình. Còn với nhà thiết kế Phương Thảo, mẫu thiết kế của chị cho người xem cảm nhận về những gánh hàng rong và phố cổ rêu phong...

Câu chuyện về nơi chốn thông qua tà áo dài còn được kể bởi các nhà thiết kế đến từ Điện Biên, Hải Dương, Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk..., mang đậm bản sắc vùng miền. Nhà thiết kế Thanh Thúy giới thiệu bộ sưu tập lấy cảm hứng từ ông ngoại, bà ngoại của mình - những người đã gắn bó với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy, với chất liệu tự nhiên và kỹ thuật thêu tay truyền thống của người Thái Đen. Với nhà thiết kế Viết Bảo, những trải nghiệm văn hóa cùng đồng bào dân tộc ở A Lưới đã tạo cảm hứng cho anh làm nên bộ sưu tập áo dài với chủ đề “Bản trường ca đại ngàn”. “Quê hương của mình ở Thừa Thiên Huế, cũng là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề dệt zèng thổ cẩm ở A Lưới được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Nhìn hình ảnh những phụ nữ trẻ cùng nhau dệt thổ cẩm và nói chuyện tâm tình đã để lại cho mình cảm xúc và ý tưởng làm bộ sưu tập này” - nhà thiết kế Viết Bảo nói.

Cùng với sự vận động của các hội, nhóm tôn vinh văn hóa Việt, gần đây, các nhà thiết kế cũng góp phần hồi sinh mẫu áo dài ngũ thân - trang phục truyền thống của người Việt có từ thời Nguyễn. Trong quá khứ, vào những năm 1820 - 1830, đây là kiểu trang phục phổ biến toàn quốc, cho cả nam lẫn nữ. Từ năm 2020 đến nay, các nhà thiết kế, các nghệ nhân đã cùng với Huế phục hưng áo ngũ thân và đề án “Huế - kinh đô áo dài” với những hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế đã góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định giá trị của áo dài Huế - áo dài Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Trong khi chưa có đơn vị đủ điều kiện đứng ra lập hồ sơ để áo dài trở thành di sản văn hóa, việc lan tỏa giá trị của áo dài Việt Nam là điều cần làm ngay, bởi sức sống của di sản trong cộng đồng mới là tiêu chí UNESCO đánh giá cao. Trong đó, đáng lưu ý là việc nâng tầm áo dài thành một "vật phẩm văn hóa" thông qua việc trao tặng, sử dụng rộng rãi trong ngoại giao và việc gìn giữ các làng nghề để bảo tồn giá trị của áo dài truyền thống. Bởi lẽ, muốn kiện toàn hồ sơ để trình UNESCO thì áo dài phải trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải là quốc phục về mặt văn bản pháp lý. Chúng ta không chỉ có một vật thể là chiếc áo dài, mà cần phải có các không gian dành cho nó, như là không gian thủ công của nghề may áo dài, không gian mặc áo dài, không gian văn hóa của áo dài...

Do vậy, việc tạo điều kiện để các nhà thiết kế thời trang có thêm “đất diễn”, thể hiện sự sáng tạo cũng là cách để đưa áo dài và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áo dài viết tiếp ước mơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.