(HNM) - Tại gian hàng chưa tới 5m2 ở số 123 phố Nguyễn An Ninh, hằng ngày anh Nguyễn Anh Tuấn vẫn cặm cụi đo, đóng, khâu, sửa giày dép các loại. Tuy nhiên, việc mà anh yêu thích nhất là đóng những đôi giày dùng riêng cho khiêu vũ, công việc mà chỉ những người thợ có tay nghề kha khá mới có thể làm được.
Nghề đóng giày đã có ở Việt Nam từ lâu, nhưng loại hình đóng giày dùng cho khiêu vũ mới chỉ được hình thành từ khi phong trào nhảy phát triển mạnh mươi năm gần đây. Đó là vào những năm 1999, 2000 khi phong trào khiêu vũ bắt đầu phát triển trở lại ở Hà Nội, cũng là dịp để một số ít những người thợ đóng giày có tay nghề được bộc lộ khả năng của mình. Trong số đó có anh Nguyễn Anh Tuấn. Xuất thân là một kỹ sư thiết kế giày của Nhà máy Giày da xuất khẩu Hà Nội, lại từng được tu nghiệp ở nước ngoài, anh Tuấn đã sẵn có một tay nghề đáng nể. Rồi, một người cùng trong làng giày, đồng thời cũng là một vũ sư dạy nhảy, thấy anh là người giỏi nghề đã đặt làm giày khiêu vũ. Nghề đóng giày nhảy đến với anh Tuấn từ đó.
Nếu như những năm trước năm 1999, 2000 đi nhảy, khiêu vũ có thể coi là một lối chơi khá xa xỉ với nhiều người, thì sau đó, khi cuộc sống ngày một khá giả hơn đòi hỏi những hoạt động giải trí ngày một cao hơn, phong trào học khiêu vũ đã nở rộ ở mọi nơi trong thành phố. Tuy nhiên, lúc đầu việc học nhảy chủ yếu là nhu cầu của những người có tuổi, giới trung niên, những người khá giả coi đây như một bộ môn thể dục nhẹ nhàng nhằm góp phần xua tan mệt mỏi, căng thẳng, bệnh tật, lấy lại phần nào nét tươi trẻ thanh xuân. Phong trào khiêu vũ dần dần lan sang cả giới trẻ với những vũ điệu sôi nổi, trẻ trung thuộc nhiều thể loại như Tango, Chacha, Swing, Samba... Các câu lạc bộ dạy nhảy ra đời ở mọi quận huyện. Để học nhảy, người ta không thể dùng những đôi giày bình thường gót nhỏ, đế cứng vì chúng không thể giúp họ có những cái kiễng chân điệu đà, những cú xoay người duyên dáng, những bước gõ nhịp chuẩn mực... Người học nhảy nhất thiết phải có một đôi giày riêng, mềm mại, bằng chất liệu tốt để có thể dễ dàng lướt mình theo điệu nhảy êm ái. Với kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề anh Nguyễn Anh Tuấn đã đóng cho rất nhiều người học nhảy các loại giày, xăng đan chuyên dụng. Anh Tuấn cho biết, với điệu nhảy Valse cổ điển, người nhảy cần một đôi giày cứng cáp, gót cao, chân bằng để di chuyển nhẹ nhàng và dễ dàng. Nhưng với các điệu nhảy La-tinh thì lại phải dùng giày, xăng-đan đế mềm, mỏng, gót to vừa phải để khi người nhảy đứng bằng mũi chân không bị đau, xoay người, đưa chân mà giày không rời khỏi chân... Vì thế, đòi hỏi người thợ đóng giày khiêu vũ phải đặc biệt cẩn thận, tỉ mỉ để làm ra những đôi giày thật bền chắc nhưng phải đảm bảo kiểu dáng thật thanh mảnh, điệu đàng. Với trình độ của một thợ thiết kế giày được học hành bài bản, nhiều khách hàng đã thật sự thỏa mãn khi đặt đóng giày tại cửa hàng của anh. Anh Tuấn cho biết, đóng giày nhảy, anh phải dùng loại da tốt, chủ yếu là da bò của Hàn Quốc, hay da cừu của Mông Cổ. Các loại da này có ưu điểm mềm, độ bền tương đối tốt, nhiều màu sắc, dễ thiết kế, phối màu. Tất nhiên chỉ dựa vào nguyên liệu tốt thôi chưa đủ, mà cần phải có cách đóng, khâu giày kỹ lưỡng, cẩn thận. Do các khâu làm giày chủ yếu bằng tay, nên anh Tuấn rất tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu, dán, đóng đinh, đến gò vào khuôn để định vị phom dáng, rồi lại qua hai lần khâu diềm và cóp để đôi giày, xăng-đan thật bền chắc. Khác với các loại giày dép thông thường, những đôi giày nhảy được anh Tuấn đóng đều có một lớp lót da dưới đế thật mềm mại, có độ đàn hồi cao để người nhảy dễ dàng trong vận động. Là dân chuyên thiết kế giày lại cũng biết ít nhiều về khiêu vũ, nên anh Tuấn rất hiểu cảm giác của người nhảy trong từng động tác, nhất là của đôi chân. Một đôi giày nhảy thật êm ái khiến cho người nhảy không phải bận tâm đến đôi chân mà dành toàn bộ tâm trạng thả mình, lướt trên sàn nhảy trong tiếng nhạc du dương, trầm bổng. Thế nên, ở Hà Nội, số người có thể đóng giày khiêu vũ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trông những đôi giày thanh thoát là thế nhưng mấy ai hiểu rằng công việc đóng giày không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, kỹ thuật cao mà còn phải có sức khoẻ tốt vì việc khâu tay qua mấy lớp da giày cộm, rồi cả gò, rút, tháo phom cũng rất tốn sức.
Cái cửa hàng bé tẹo của anh Tuấn lúc nào cũng ngồn ngộn giày dép, cùng chiếc máy khâu chuyên dụng dễ đến 70-80 tuổi anh mua của một người thợkhâu giày già thời Pháp... Anh Tuấn tâm sự, thực sự thì nghề đóng giày cũng chỉ đủ ăn, không giàu được, nhưng vì yêu nghề, tiếc nghề mà anh vẫn giữ nghề cho đến hôm nay. Đâu phải như cái thời xa xưa, một người đóng giày có thể nuôi được cả một gia đình đông con cháu mà vẫn sống tươm tất.
Vào những dịp sinh nhật, mừng thọ, những dịp lễ, hội hay cuối tuần, những người trung niên, có cả cao tuổi, những bạn trẻ lại cùng nhảy say sưa trong những vũ điệu rộn ràng, êm ái. Nhiều người trong số ấy đã có thêm sức khỏe, niềm lạc quan yêu đời từ những bước nhảy bằng những đôi giày thật mềm mại thoải mái. Còn với người thợ đóng giày Nguyễn Anh Tuấn, cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn với những niềm vui thật giản dị.
Bài và ảnh:Thiên Lương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.