Theo lệnh phong tỏa được Thủ tướng Boris Johnson công bố, người dân Anh cũng sẽ phải tuân thủ các lệnh hạn chế đi lại chặt chẽ hơn.
Vương quốc Anh trở thành quốc gia mới nhất tại châu Âu quyết định phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, sau quyết định được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trong tối 23-3.
Mở đầu bài phát biểu trên truyền hình gửi đến toàn bộ người dân Vương quốc Anh trong tối 23-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định lại rằng, đại dịch Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với Vương quốc Anh trong nhiều thập kỷ qua và bây giờ là thời điểm nước Anh phải hành động quyết liệt hơn nữa.
“Bắt đầu từ tối nay, tôi buộc phải gửi đến người dân Anh một yêu cầu đơn giản, tất cả phải ở lại trong nhà. Bởi lẽ điều quan trọng sống còn bây giờ là ngăn dịch lây lan giữa các gia đình. Chúng tôi sẽ theo dõi thường xuyên các lệnh hạn chế và sau 3 tuần nữa có thể sẽ nới lỏng nếu có thể. Nhưng hiện tại, không có một lựa chọn dễ dàng nào nữa”.
Theo lệnh phong tỏa được Thủ tướng Boris Johnson công bố, người dân Anh cũng sẽ phải tuân thủ các lệnh hạn chế đi lại chặt chẽ như người dân các nước khác như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, tức sẽ chỉ được ra khỏi nhà làm các việc cực kỳ thiết yếu như đi mua thực phẩm, đến hiệu thuốc hay đi làm khi không thể làm việc từ xa.
Tuy nhiên, Anh vẫn cho mở cửa các công viên để người dân đi tập thể thao một lần một ngày với điều kiện không được tụ tập quá 2 người.
Quyết định phong tỏa đất nước là biện pháp mạnh tay nhất mà Chính phủ Anh áp dụng nhằm chiến đấu với đại dịch Covid-19 sau một thời gian gần 2 tuần chần chừ với việc lựa chọn chiến lược đối phó, trong đó có các phát ngôn gây tranh cãi về chiến lược “miễn dịch cộng đồng”.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận, không một nền y tế hiện đại nào trên thế giới có thể đứng vững nếu có quá đông người ốm buộc phải nhập viện điều trị và Chính phủ Anh phải làm tất cả để bảo vệ hệ thống Y tế quốc gia Anh (NHS) khỏi nguy cơ sụp đổ.
Theo số liệu đưa ra trong ngày 23-3, nước Anh hiện đã có 6.650 ca nhiễm bệnh và 335 bệnh nhân thiệt mạng, cao gấp 6 lần so với thời điểm cách đây một tuần.
Diễn biến nghiêm trọng này buộc Chính phủ Anh phải gấp rút hành động. Đầu tuần này, Chính phủ Anh đã yêu cầu các tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn đang hoạt động tại Anh như Airbus, Rolls-Royce hay Nissan chuyển đổi dây chuyền để sản xuất khẩn cấp 30 nghìn máy thở trong vòng 2 tuần.
Giới chức y tế Anh cho biết, hiện cơ quan y tế nước này chỉ có trên 8 nghìn máy thở và sẽ không thể đối phó với lượng người nhập viện ồ ạt trong những ngày tới.
Sau lời kêu gọi của Chính phủ Anh, hơn 7.500 y, bác sĩ vừa về hưu đã chấp nhận quay lại làm việc để hỗ trợ các bệnh viện. Quân đội Anh cũng đã được huy động bằng việc bổ sung 10 nghìn lính cho lực lượng hỗ trợ phòng, chống Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.