Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh bộ đội Cụ Hồ là hình tượng xuyên suốt

Mạnh Nguyên| 10/01/2010 07:17

(HNM) - Đoàn Kịch nói quân đội được tách ra từ Tổng đội Văn công Tổng cục Chính trị, ngày 10-1-1955 với trên 70 cán bộ và nghệ sỹ do nhà thơ Hoàng Cầm làm đoàn trưởng.


Trong những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, Đoàn đã xây dựng được các vở kịch dài. Trong đó tiêu biểu là: “Ánh sáng Hà Nội” của tác giả Hoàng Tích Linh, “Chị Nhàn”, “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm. Trong đó 2 vở diễn “Chị Nhàn” và “Nổi gió” của tác giả Đào Hồng Cẩm, đạo diễn Thành Ngọc Căn đã có nhiều thành công và gây được tiếng vang cả về kịch bản và diễn xuất. Riêng vở “Chị Nhàn”, từ năm 1961 đến năm 1976 đã có hơn 1.500 buổi diễn. Cùng với vở “Nổi gió” và các vở diễn khác Đoàn đã khẳng định bước tiến mới của sân khấu kịch nói quân đội ở giai đoạn này.

Các diễn viên Nhà hát kịch Quân đội trong một vở diễn.


Bước sang giai đoạn chiến tranh lan rộng ra cả nước, với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đội xung kích của Đoàn đã cùng hành quân với bộ đội “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sự có mặt của các nghệ sĩ, diễn viên ở chiến trường ác liệt là một niềm động viên tinh thần rất lớn đối với bộ đội, góp phần tạo nên chiến thắng. Cũng chính từ hiện thực khốc liệt ở chiến trường, những tấm gương hy sinh anh dũng của bộ đội, của những cô gái thanh niên xung phong… đã tạo nên những cảm hứng anh hùng ca để các nghệ sĩ sáng tạo lên những vở kịch vừa có tính thời sự, chính trị phục vụ chiến đấu, vừa có giá trị nhân văn cao cả. Những vở kịch trong thời kỳ này đã góp phần làm rạng danh tên tuổi của Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Trong đó, có những vở tiêu biểu đã trở thành những mốc son trong truyền thống của Đoàn và đi vào lịch sử vẻ vang của sân khấu kịch nói cách mạng Việt Nam như những dấu ấn không phai mờ. Đó là các vở: “Đôi mắt” của Vũ Dũng Minh và “Đại đội trưởng của tôi” của Đào Hồng Cẩm. Trong đó, “Đôi mắt” là vở diễn được công chúng yêu thích và có hiệu quả xã hội cao. Đặc biệt là vở “Đại đội trưởng của tôi” được đánh giá “là vở xuất sắc nhất của kịch về đề tài quân đội, là một trong những vở tiêu biểu của sân khấu thời kỳ chống Mỹ”. Đây là những năm tháng hoạt động sôi nổi nhất, đạt nhiều kết quả và thành công nhất của Đoàn Kịch nói quân đội cũng như sân khấu kịch nói cả nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, tiếp tục truyền thống và nhiệm vụ chính trị là phản ánh chân dung người lính trong chiến tranh và trong hòa bình, Đoàn đã dàn dựng thành công nhiều vở: “Tổ quốc”, “Đêm và ngày” của Đào Hồng Cẩm, “Những con hươu xanh” của A Lếch xây Côlômiét, “Hành trình đến tự do” của Nguyễn Khải, “Cuộc đời và năm tháng” của Tạ Xuyên, “Hừng đông Thăng Long” của Huyền Kiêu, “Thành phố lặng gió” của Chu Lai, “Tôi đi tìm tôi” của Sỹ Hanh... Các tác phẩm này đã để lại nhiều nét khắc họa về phẩm chất anh hùng, tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam, của người lính - Bộ đội Cụ Hồ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, hòa chung với sự khởi sắc của sân khấu cả nước, Đoàn Kịch nói quân đội đã trăn trở tìm tòi về đề tài, khai thác nhiều trạng huống tình cảm khác nhau để tạo ra các vở diễn mang hơi thở của cuộc sống người lính hôm nay. Các vở diễn đã mang lại thành công như: “Tiếng hát cuộc đời” của Sỹ Hanh, “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ, “Mười đóa phong lan” của Tất Đạt, “Nửa ngày về chiều” của Xuân Trình, “Thời gian không im lặng” của Tạ Xuyên, “Tiếng gọi” của Nguyễn Quang Vinh. Vẫn là những vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng, người lính nhưng đã có cái nhìn sâu lắng hơn, trải nghiệm hơn, các sự kiện chiến tranh từ góc độ lùi xa với những cái nhìn toàn diện, nên đã đạt được những giá trị nhân văn sâu sắc. Năm 2001, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đoàn đã dựng thành công vở “Hồn nước” của Nguyễn Khắc Phục. Vở diễn mang âm hưởng một tráng ca lịch sử về cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong mấy năm trở lại đây, đời sống xã hội có nhiều biến đổi nhanh chóng trong mọi lĩnh vực, sự giao lưu hội nhập văn hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế, sự phát triển tiến bộ của khoa học kỹ thuật - công nghệ thông tin đã đem đến cho con người đời sống tinh thần phong phú và đa dạng. Trước tình hình đó, văn hóa - văn nghệ nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng đã tỏ ra lúng túng không theo kịp hơi thở và nhịp đập của thời đại. Song Đoàn Kịch nói quân đội vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị và tính định hướng trong nghệ thuật. Không bị rơi vào tình trạng thương mại hóa sân khấu với những yếu tố câu khách tầm thường, khắc phục mọi khó khăn, vượt lên chính mình, Đoàn đã xây dựng thành công các vở diễn: “Thông điệp từ Điện Biên” của Nguyễn Khắc Phục, “Khúc tráng ca ngày ấy” của Chu Lai, “Bản hùng ca linh thiêng” của Xuân Đức - Cao Hạnh, “Rừng quả đắng” của Hà Đình Cẩn. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đoàn đã dàn dựng thành công vở:“Cái chết chẳng dễ dàng gì” của nhà văn Xuân Đức. Đây là những vở diễn được bộ đội và nhân dân đón nhận nồng nhiệt, được Bộ Quốc phòng và giới sân khấu đánh giá cao thông qua các giải thưởng lớn trao tặng cho Đoàn. Trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức vào tháng 9-2009 tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn đã vinh dự nhận được 2 Huy chương Bạc cho các vở diễn “Bản Hùng ca linh thiêng”và “Rừng quả đắng”. Trước đó, hội diễn năm 2004, kịch nói quân đội vinh dự được nhận giải thưởng xuất sắc nhất với vở diễn “Thông điệp từ Điện Biên”.

Lấy hình tượng trung tâm của các vở diễn là anh bộ đội Cụ Hồ, trong suốt 55 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Kịch nói quân đội đã dàn dựng thành công hàng trăm vở diễn, có nội dung tư tưởng sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao, luôn xuất hiện kịp thời trong những dịp kỷ niệm lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội. Phục vụ hàng triệu lượt công chúng khán giả bộ đội và nhân dân trên địa bàn cả nước. Với bề dày cống hiến và những thành tích đã đạt được, năm 2001, Đoàn Kịch nói quân đội rất vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Anh bộ đội Cụ Hồ là hình tượng xuyên suốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.