(HNMO) - Ngày 4-8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa bị cáo Chu Văn Thuận (sinh năm 1973; trú ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) ra xét xử phúc thẩm trong vụ án không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của gia đình nạn nhân với lý do cấp sơ thẩm giải quyết vụ án thiếu khách quan.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 2h30 ngày 1-10-2020, anh Đ (sinh năm 1996; ở tỉnh Bắc Ninh) điều khiển xe máy chở vợ là chị C.T.H (sinh năm 1993) đi trên đoạn đường ở địa phận thôn Mạnh Tân, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội). Khi đó, xe máy do anh Đ điều khiển lấn trái phần đường và va chạm với phần đầu bên phải xe ô tô do Chu Văn Thuận điều khiển đi ngược chiều đường.
Sau va chạm, xe ô tô do Thuận điều khiển đẩy xe máy của anh Đ về phía trước một đoạn, khiến 2 nạn nhân bị văng ra ven đường bất tỉnh. Ngay sau đó, Thuận dừng xe, thấy trên đường có đôi nam nữ nằm bất tỉnh, chiếc xe máy mắc kẹt dưới gầm xe ô tô. Thuận xuống xe kéo chiếc xe máy ra khỏi gầm xe ô tô của mình, không xem tình trạng nạn nhân thế nào và không đưa nạn nhân đi cấp cứu mà lên ô tô rời khỏi hiện trường.
Sau đó anh Đ được người dân đưa đi cấp cứu, tuy nhiên, bệnh viện xác định nạn nhân đã tử vong.
Chiều 1-10-2020, Thuận đến Công an huyện Đông Anh trình diện. Theo lời khai, sau khi xảy ra tai nạn, Thuận đã sờ người hai nạn nhân đều thấy mềm, không thấy thở nên nghĩ đã tử vong. Do tâm lý hoang mang và sợ bị người nhà nạn nhân đánh, nên đã lái xe bỏ đi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo tỏ ra ăn năn, hối cải và mong được sự khoan hồng. Bị cáo Thuận cũng xác nhận việc tự nguyện bồi thường 100 triệu đồng để hỗ trợ những đau thương, mất mát của gia đình anh Đ. Tuy nhiên, gia đình anh Đ không nhận số tiền trên và yêu cầu bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật.
Tòa cấp sơ thẩm cho rằng, hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội vì không chỉ xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể của người khác, mà còn trái nguyên tắc, đạo đức làm người. Sự việc va chạm giao thông chưa xác định bên đúng, bên sai nhưng bị cáo là người trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra va chạm, chứng kiến toàn bộ sự việc mà kéo xe của nạn nhân khỏi gầm xe của mình để rời hiện trường thì về mặt văn hóa, đạo đức, tinh thần của người Việt Nam, các hành động này là không phù hợp...
Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Thuận mức án 8 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của phía gia đình nạn nhân, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cho rằng không có cơ sở xem xét nên không chấp nhận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần kháng cáo của gia đình bị hại và tuyên phạt bị cáo Chu Văn Thuận 8 tháng tù giam, thay vì 8 tháng tù cho hưởng án treo như bản án sơ thẩm đã tuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.