(HNM) - Đợt kiểm tra này, các đoàn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm và cũng như các đợt
Đợt kiểm tra này, các đoàn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm và cũng như các đợt "ra quân" khác, cứ kiểm tra đến đâu là phát hiện sai phạm đến đó.
Khách hàng vẫn tìm đến những cửa hàng bánh trung thu truyền thống, bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Ngọc Châu |
Cơ sở uy tín cũng… vi phạm
Như Báo Hànộimới đưa tin, tuần qua, ngay trong buổi kiểm tra đột xuất khách sạn Silk Path (ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP trung ương và TP Hà Nội đã phát hiện nhãn sản phẩm bánh Trung thu sản xuất tại đây chưa có hạn sử dụng, ngày sản xuất. Mặt khác, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chỉ cung cấp duy nhất một phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm bánh Trung thu khoai môn trứng mặn do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện ngày 5-6-2014, các sản phẩm bánh Trung thu còn lại chưa thực hiện kiểm nghiệm định kỳ. Ngoài ra, cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ công bố hợp quy của các dụng cụ, vật liệu bao gói sản phẩm bánh Trung thu (như khay nhựa, hộp cát tông, hạt chống ẩm…); chưa xuất trình hồ sơ, hóa đơn, chứng từ của sản phẩm trứng muối.
Trước đó, tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Công tác thanh tra - Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) đã tiến hành kiểm tra tại 3 cơ sở chế biến thực phẩm đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm. Cụ thể, tại cửa hàng thực phẩm cao cấp Mỹ Loan (số 89 Phan Chu Trinh, TP Tam Kỳ), Đoàn phát hiện một số hàng nhập khẩu (gồm nước nha đam Hàn Quốc và một số loại bánh) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Sau đó, chủ cơ sở đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm về ghi nhãn mác trước sự chứng kiến của Đoàn kiểm tra. Tại siêu thị Co.opmark Tam Kỳ, qua kiểm tra cũng phát hiện kho bảo quản thực phẩm tại đây chưa đạt yêu cầu, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm.
Tương tự, tại TP Đà Nẵng, kiểm tra Công ty TNHH một thành viên Phố Hội (địa chỉ lô D11-16 KDC Nam Cẩm Lệ, tổ 16 đường Phù Đổng, Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) - cơ sở sản xuất nhiều mặt hàng ăn ngay (bánh, kem, sữa chua...) đã phát hiện điều kiện vệ sinh dụng cụ và kho bảo quản nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu. Tại thời điểm thanh tra, cơ sở đang tập kết nguyên liệu, bao bì để chuẩn bị sản xuất bánh trung thu. Tuy nhiên, nội dung ghi trên nhãn bảo bì sản phẩm sai với nội dung đã công bố về thành phần và hạn sử dụng. Sau khi được nhắc nhở, hướng dẫn, chủ cơ sở đã tự tiêu hủy toàn bộ 200 bao bì dùng để đựng bánh trung thu. Cùng với đó, Đoàn thanh tra đã yêu cầu cơ sở khắc phục ngay những tồn tại về điều kiện vệ sinh nơi sản xuất, kho bảo quản và giao cho đoàn liên ngành của thành phố phúc tra, xử lý theo quy định. Còn tại cơ sở sản xuất nem chả Trần Hùng (ở K106/9C Ngô Gia Tự, quận Hải Châu) qua thanh tra ghi nhận cơ sở thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSTP trong sản xuất, chế biến giò chả. Tuy nhiên, kiểm tra tại quầy hàng kinh doanh ở cùng địa chỉ lại phát hiện một số mặt hàng vi phạm quy định về ghi nhãn (sữa Ensure; nước gạo ghi bằng chữ Hàn Quốc, bắp Gerber), các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Xử phạt ít, nhắc nhở là chủ yếu
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra chất lượng ATVSTP phục vụ Tết Trung thu theo đánh giá của đại diện thanh tra Cục ATTP, công tác quản lý ATVSTP tại một số địa phương còn không ít khó khăn, bất cập cả về cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức, lực lượng, năng lực cán bộ phụ trách chuyên môn. Thậm chí, có địa phương dù đã thực hiện thanh tra, kiểm tra ATVSTP thường xuyên nhưng việc xử lý sai phạm tại tuyến phường, xã còn rất hạn chế. Do đó, các trường hợp vi phạm được phát hiện tại tuyến cơ sở hầu như không bị xử phạt mà chủ yếu chỉ nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố về công tác xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, các địa phương mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hơn 18% cơ sở vi phạm, trong đó có 2/3 cơ sở bị phạt cảnh cáo và chỉ có 1/3 cơ sở bị phạt tiền. Trong khi tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp… vẫn diễn biến phức tạp, việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, phụ gia thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn thì việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ATVSTP là một trong 5 vấn đề được xã hội quan tâm nhất hiện nay. Để công tác quản lý ATVSTP đạt hiệu quả thì phải đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Đối với các cơ sở vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng cần áp dụng các biện pháp mạnh, rút giấy phép hoạt động, rút giấy phép lưu hành, thậm chí có thể đóng cửa vĩnh viễn. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, từ nay đến cuối năm 2014, Cục ATTP chỉ đạo Chi Cục ATVSTP các tỉnh, thành phố trong cả nước quyết liệt triển khai các hoạt động truyền thông, thanh tra, kiểm tra trong đó tập trung vào những thực phẩm có nguy cơ cao, phụ gia thực phẩm…, từ đó kịp thời phát hiện sai phạm, cảnh báo đối với người tiêu dùng.
Theo Bộ Y tế, trong 8 tháng năm 2014, cả nước đã xảy ra 87 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với hơn 2.900 người mắc, 2.300 người nhập viện và 19 người chết (số trường hợp tử vong tăng 3 người so với năm 2013). Riêng trong tháng 8-2014, cả nước xảy ra 11 vụ NĐTP làm 307 người mắc, 216 người nhập viện và một trường hợp tử vong. Nguyên nhân ban đầu của các vụ NĐTP là do vi sinh vật, độc tố tự nhiên và hóa chất, còn lại là chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.