(HNM) - Hà Nội có hơn 1.200 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Vì vậy, ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lượng người đổ về các lễ hội tăng đột biến.
Các lễ hội thu hút đông khách thập phương nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm rất khó khăn. Trong ảnh: Một hàng ăn tại phủ Tây Hồ trong chiều 24-2. Ảnh: Bùi Tuấn |
Đụng đâu sai đấy
Những ngày này, tại lễ hội kéo dài nhất trong năm, suốt 3 tháng xuân - chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn trong cảnh đông đúc. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, tại Lễ hội chùa Hương năm nay có 145 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn các kiến thức an toàn thực phẩm cho 100% hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến hành khám sức khỏe cho những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Các tổ thanh tra, kiểm tra cũng được thành lập, làm nhiệm vụ liên tục kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm của các hàng quán.
Quy định là vậy nhưng thực tế, các biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt trong khi lượng khách quá tải. Tại đây, ngày 23-2, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của TP Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra 4 nhà hàng, quán cơm. Kết quả, 3/4 cơ sở bày bán thực phẩm tươi sống “lộ thiên”, lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng. Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh cũng phát hiện 2/4 quán hàng có nhiều bát đĩa được rửa không sạch…
Bước vào nhà hàng Quyết Thắng (số 1 Thiên Trù), ngay trước mắt thực khách là tấm giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được lồng khung kính. Thế nhưng, ngay những quy định tối thiểu về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ lại chưa được nhà hàng chấp hành nghiêm túc… Theo chủ nhà hàng, trung bình mỗi ngày lễ hội, tại đây đón tiếp khoảng 3.000 khách. Do lượng khách đông nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm không tránh khỏi… sơ suất!
Tương tự, qua xét nghiệm nhanh tại nhà hàng Ngoan Tiến (ở Bến Yến) cũng phát hiện 3/10 mẫu bát không bảo đảm vệ sinh. Còn tại nhà hàng cơm phở Tinh Hồng (ở Thiên Trù), vì không bố trí các thùng đựng rác nên thực khách vô tư xả thức ăn thừa, giấy ăn ngay xuống nền đất. Hãi hùng hơn, bát được rửa trong chiếc chậu đen ngòm, váng mỡ, nước tráng cũng đen ngòm… Chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi ở Hưng Yên) đang ngồi ăn, cho biết, muốn tìm những nơi bảo đảm vệ sinh, e rằng ở lễ hội đông như vậy thì rất khó…
Tại khu vực phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) có 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với những quán hàng cố định, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm còn được các chủ cơ sở chấp hành. Thế nhưng, tại những quán hàng nhỏ lẻ, di động, thức ăn bày bán không được che đậy; người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách…
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan…
Chung tay giám sát an toàn thực phẩm
Nhà hàng Quyết Thắng (số 1 Thiên Trù - chùa Hương) bày bán thực phẩm chín không được bảo quản. |
Theo báo cáo ngày 24-2 của Sở Y tế Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2018, qua 2 tháng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của hơn 13.000 cơ sở, hơn 700 đoàn kiểm tra của thành phố và các quận, huyện; xã, phường đã phát hiện hơn 2.800 cơ sở vi phạm, trong đó tiến hành xử phạt hơn 1.400 cơ sở với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội trong năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn...
Để bảo đảm kiểm soát được tình hình an toàn thực phẩm tại các lễ hội, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, dù chỉ kinh doanh thời vụ nhưng các cơ sở cũng phải ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng những điều kiện bắt buộc, đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.
Năm nay, thành phố đã tăng cường thêm 5 xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động đến các lễ hội để lấy mẫu, xét nghiệm nhanh tại chỗ. Thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ, nhanh hơn rất nhiều so với lấy mẫu mang đến các phòng thí nghiệm. Đối với những mẫu thực phẩm có phát hiện bất thường sẽ yêu cầu cơ sở dừng bán hoặc sử dụng chế biến và tiến hành tiêu hủy.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, hiện xe kiểm nghiệm lưu động đã lấy khoảng 1.000 mẫu thực phẩm. Qua xét nghiệm nhanh phát hiện 85 mẫu dương tính, bao gồm mẫu bát, đĩa không bảo đảm vệ sinh; rau, quả, thực phẩm dương tính với dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, phẩm màu công nghiệp... Với những cơ sở vi phạm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu chủ cơ sở khẩn trương khắc phục và giao cho Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm các quận, huyện giám sát và hậu kiểm. Những cơ sở tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động.
"Rất mong người dân tham gia lễ hội hãy cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm; phát hiện cơ sở vi phạm và thông tin về các Đường dây nóng: Sở Công Thương: 1900585826; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0243 3800115; Sở Y tế: 0243 998 5765" - ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Mùa lễ hội vẫn còn dài, những bất cập về an toàn thực phẩm rất cần được các cấp, ngành liên quan chỉ đạo và kiên quyết xử lý để khắc phục, thiết thực tạo ra những lễ hội vui tươi, an toàn.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã công bố Đường dây nóng: 0243.2321556, 0911.811556 nhằm tiếp nhận thông tin về thực phẩm bẩn trong mùa lễ hội xuân 2018. Theo quy định, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.