Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn khi mở cửa trở lại di tích

Nguyễn Thanh| 19/02/2022 06:21

(HNM) - Căn cứ vào cấp độ dịch Covid-19, từ ngày 15-2, một loạt di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội đã chính thức mở cửa trở lại, sau thời gian dài tạm dừng đón tiếp khách tham quan để phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch. Cùng với việc duy trì các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản, công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được tăng cường, nhằm mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trang bị máy đo thân nhiệt tự động nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Nam

Rộn ràng ngày mở cửa

Khác với sự vắng lặng, im lìm khi còn đóng cửa, những ngày qua, nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội ghi nhận không khí tươi vui, phấn khởi, khi hoạt động du xuân, vãng cảnh được khởi động trở lại. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều nhóm du khách say mê nhìn ngắm các thiết kế thuộc triển lãm trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Việt Nam; những đề cử chính thức được trưng bày của Giải Ashui Pavilion 2022…; trải nghiệm kỹ thuật in tranh cổ hay thực hành tục xin chữ đầu năm trong không gian cổ kính của Nhà Thái học.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, để việc đón khách tham quan an toàn, thuận lợi, từ nhiều ngày trước, Trung tâm đã rốt ráo chuẩn bị các điều kiện, như: Quét dọn khuôn viên di tích, trang bị máy đo thân nhiệt, máy sát khuẩn tự động, niêm yết mã QR cũng như bố trí bàn khai báo y tế phục vụ người dân và du khách.

“Bảng khuyến cáo tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế được gắn đặt tại nhiều địa điểm dễ thấy, đồng thời lực lượng an ninh thường xuyên nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch. Trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại, di tích đã đón trên 700 lượt khách tham quan...”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò buổi sáng đầu tiên mở cửa đón khách trở lại, Ban Quản lý di tích cũng phấn khởi thông báo, toàn bộ suất tham dự tour đêm trong tuần đã được đặt hết, cho thấy sự đón nhận tích cực của công chúng và du khách. Bà Nguyễn Trà My (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) chia sẻ: "Di tích Nhà tù Hỏa Lò có nhiều chương trình tham quan ấn tượng, trong đó phải kể đến tour đêm “Sống như những đóa hoa” mang đến cho người tham dự nhiều cảm xúc. Chính vì vậy, khi biết di tích được mở cửa trở lại, tôi đã nhanh chóng đặt vé tham quan cho người thân cùng trải nghiệm”.

Trước đó, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, công tác chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại cũng diễn ra hối hả với yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu. Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến, Trung tâm chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện phòng, chống dịch. Các khu vực đón tiếp, nhà trưng bày, các điểm tham quan… được tổng vệ sinh, khử khuẩn và tổ chức phân luồng giãn cách, bảo đảm môi trường sạch, đẹp, an toàn. “Đặc biệt, Trung tâm triển khai chương trình “Check in tặng quà”, khuyến khích du khách chụp ảnh, quét mã QR để nhận quà tặng đầu năm mới của khu di sản”, bà Nguyễn Thị Yến thông tin.

Du khách tuân thủ giãn cách tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phòng, chống dịch phải ưu tiên hàng đầu

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới những ngày qua tại nhiều điểm di tích nổi tiếng của Thủ đô, như: Chùa Hương, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, Thăng Long Tứ Trấn, chùa Tây Phương…, cùng với việc phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được nêu cao, gắn với giữ gìn nếp sống văn minh tại nơi thờ tự. Người dân tham gia các hoạt động tại nhiều di tích, danh lam thắng cảnh với tâm trạng vui tươi, phấn khởi, song cũng không lơ là phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Bích Ngọc (phố Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình) đi lễ tại chùa Hòe Nhai chia sẻ: "Để cuộc sống nhanh chóng trở lại, các hoạt động đời thường như đi lễ đầu năm, tham quan, trải nghiệm văn hóa… được duy trì tốt đẹp, mỗi người cần nêu cao ý thức từ những việc nhỏ nhất, như đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người...".

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Hòa (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) - người làm “công quả” tại chùa Phúc Khánh - cũng xác định, phòng, chống dịch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu, bảo đảm an toàn cho không chỉ người phục vụ và du khách, mà còn cả cộng đồng.

Để việc mở cửa, đón khách tham quan tại các di tích được thuận lợi, an toàn, trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản gửi các địa phương trên địa bàn thành phố, đề nghị tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong các hoạt động tại di tích, danh lam, thắng cảnh. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, việc mở cửa di tích phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả.

“Các điểm di tích lịch sử - văn hóa cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch; có phương án quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định; bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người. Đặc biệt, hoạt động lễ hội vẫn tạm dừng, chỉ thực hiện các nghi thức với quy mô nhỏ, hạn chế tập trung đông người”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn khi mở cửa trở lại di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.