(HNM) - Bước vào mùa mưa bão, người dân ngoại thành Hà Nội lại đứng ngồi không yên trước tình trạng vi phạm công trình thủy lợi (CTTL) diễn ra khá phức tạp.
Nhiều vi phạm cũ chưa xử lý, giải tỏa dứt điểm đã phát sinh vi phạm mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong khi đó, công tác quản lý của chính quyền ở cơ sở còn lỏng lẻo, nể nang, né tránh gây bức xúc dư luận...
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, số vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra trên địa bàn thành phố đến năm 2015 là 11.640 vụ, tuy nhiên mới giải tỏa được 1.865 vụ, còn tồn đọng 9.775 vụ. Trong 5 tháng đầu năm 2016, trên hệ thống CTTL của thành phố phát sinh 74 vụ vi phạm, nhưng mới xử lý giải tỏa được 2 vụ. Vi phạm nghiêm trọng nhất là trên hệ thống CTTL Sông Nhuệ, tồn đọng gần 4.800 vụ, Sông Đáy gần 3.350 vụ, Sông Tích gần 870 vụ... Các vi phạm ở các dạng như: Xây nhà cấp ba, cấp bốn, công trình phụ trong hành lang CTTL hơn 5.000 vụ; trồng cây, đào ao, đổ phế thải khoảng 1.500 vụ... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn tồn tại hơn 1.450 điểm xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống CTTL.
Ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư thủy lợi Sông Đáy khẳng định: Tất cả vi phạm trên hệ thống CTTL do công ty quản lý đều đã lập biên bản hành chính; thậm chí có những trường hợp vi phạm lập nhiều lần, yêu cầu chính quyền địa phương xử lý, giải tỏa nhưng vẫn tái diễn. Nguyên nhân của bất cập này là do phía công ty không có thẩm quyền xử phạt. Trong khi đó, chính quyền địa phương để xảy ra vi phạm thờ ơ, né tránh xử lý. Điển hình như trường hợp đổ đất, xây nhà hàng, làm gạch ở khu vực hồ Quan Sơn (Mỹ Đức); hay việc hàng chục hộ dân xây cầu trên kênh mương ở huyện Chương Mỹ… phía công ty thủy lợi nhiều lần lập biên bản và đề nghị chính quyền địa phương ngăn chặn, giải tỏa nhưng đến nay các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Tương tự, trên địa bàn huyện Ba Vì còn tồn đọng hơn 100 vụ vi phạm CTTL, đặc biệt nghiêm trọng là những vi phạm trong khu vực lòng hồ Suối Hai. Qua thống kê của Trạm Quản lý đầu mối hồ Suối Hai (Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì), đến nay, khu vực lòng hồ còn tồn tại 102 vụ vi phạm, trong đó: 12 trường hợp xây nhà cấp ba, cấp bốn; 6 trường hợp dựng lều quán và công trình phụ; 84 trường hợp đào ao, trồng cây, đổ đất, phế liệu san lấp lòng hồ với tổng số diện tích lấn chiếm lên tới hơn 226.000m2.
Nghiêm trọng nhất là trường hợp vi phạm của hộ ông Kiều Xuân Thủy ở xã Tản Lĩnh tự ý đào, đắp đất lấn chiếm 3.600m2 lòng hồ Suối Hai. Ngày 10-7-2015, Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì đến lập biên bản vi phạm, yêu cầu chính quyền xã Tản Lĩnh xử lý, buộc gia đình ông Thủy hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng ban đầu. Trường hợp ông Trần Nam Thắng, từ năm 2014-2015, lấn chiếm hơn 2.000m2 lòng hồ, sau 3 lần lập biên bản diện tích vi phạm lại mở rộng thêm. Gần đây nhất, từ ngày 8 đến 19-3, ông Trần Quang Trung ở xã Chu Minh (Ba Vì) cố tình đổ đất lấn chiếm gần 10.000m2 hành lang bảo vệ thân đập Suối Hai, diễn ra nhiều ngày nhưng vẫn không được xử lý.
Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Đinh Công Hùng bức xúc cho biết: Ban đầu, xí nghiệp xác định 5 xe tải tham gia trong nhóm đổ đất đã báo chính quyền xã Thụy An nhưng đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý. Theo ông Hùng, nghịch lý hiện nay là một bên cứ lập biên bản, còn bên xử lý vi phạm thì thờ ơ, sợ trách nhiệm nên các đối tượng công khai lấn chiếm. Trả lời câu hỏi tại sao các vi phạm chậm xử lý, Chủ tịch UBND xã Thụy An Nguyễn Đắc Nguyên đã đưa ra nhiều lý do vì đối tượng vi phạm về đêm, ngày nghỉ lễ, cần phải xác minh nhân thân, xác định mốc giới… Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng: Trách nhiệm xử lý đã được quy định rõ ràng, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải rốt ráo phối hợp với các xã để ngăn chặn kịp thời ngay từ khi phát sinh, hạn chế tình trạng làm cho xong rồi đẩy trách nhiệm xử lý về phía chính quyền. Đối với cấp xã, không được để vi phạm kéo dài, vi phạm lớn, vượt thẩm quyền rồi đẩy lên cấp huyện xử lý…
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm tràn lan trên hệ thống CTTL, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết giải tỏa những vi phạm từ khi mới phát sinh; trước mắt tập trung xử lý, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng kênh, bờ sông, bảo đảm thông thoáng dòng chảy trong mùa mưa bão 2016. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát những trường hợp tồn đọng để tiến hành cưỡng chế. Các công ty thủy lợi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nâng cao trách nhiệm, năng lực trong quản lý, khai thác bảo vệ CTTL; coi công tác quản lý và bảo vệ CTTL là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, các địa phương phải quyết liệt vào cuộc xử lý, giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi. Địa phương, đơn vị nào để phát sinh vi phạm không xử lý, chủ tịch địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.