Theo dõi Báo Hànộimới trên

An Dương ngày đó và bây giờ...

Dương Linh| 18/12/2022 21:50

(HNMO) - Hơn 600 quả bom các loại đã trút xuống mảnh đất An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), cướp đi sinh mạng 171 người trong những ngày bom Mỹ rải thảm cuối năm 1972. Đã 50 năm trôi qua, những dấu tích của bom đạn khốc liệt ngày ấy không còn, mảnh đất An Dương đau thương năm xưa giờ trở thành khu phố khang trang hiện đại, nhưng trong lòng mỗi người dân, những kỷ niệm, ký ức về 12 ngày đêm vẫn không phai nhạt.

Lãnh đạo phường Yên Phụ dâng hương tưởng niệm nhân dân An Dương bị bom Mỹ sát hại trong 12 ngày đêm.

Ký ức những ngày đêm bão lửa

Cuối năm 1972, nhân dân Hà Nội không thể nào quên, ngày 21-12-1972, vào lúc 5h15, một tốp máy bay B-52 của giặc Mỹ đã ầm ầm lao đến trút xuống khu lao động An Dương hơn 600 quả bom các loại. Trận bom đã cướp đi vĩnh viễn của An Dương 171 người, gây thương tích cho 151 người, phá hủy 126 ngôi nhà, thiệt hại 555 nhà ở, cơ sở kinh tế, nhà máy, cửa hàng, hợp tác xã bị tàn phá. Nhiều dãy nhà, trường học khu An Dương biến thành đống tro tàn đổ nát.

Rạng sáng hôm đó không bao giờ quên trong cuộc đời bà Nguyễn Thị An (tổ dân phố số 7), khi ấy đang là y tá của Nhà máy Đá hoa An Dương. Chỉ trong khoảnh khắc, bà An đã mất đi bố mẹ chồng, em gái chồng và hai người con gái.

Bà An nghẹn ngào: “Hồi đó, cứ nghe báo động là tất cả đều xuống hầm. Chỉ nghe bụp một tiếng, còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, nắp hầm tung lên. Mọi người đến cứu sập mới biết bom B-52 của Mỹ rơi trúng hầm nhà tôi. Bữa cơm tối, gia đình còn đủ 10 người, chỉ sau một đêm, tôi đã mất đi 5 người thân…”.

Cũng như bà Nguyễn Thị An, ông Nguyễn Tiến Bảo (tổ dân phố số 9) đã mất đi 2 người thân trong những ngày tháng đó. “Lúc đó tôi mới 13 tuổi. Khi bom đánh trúng nhà bên cạnh, sập xuống, đè lấp hầm cá nhân của chị gái và em trai tôi, không cứu được. May mắn là tôi còn sống sót”, ông Bảo bùi ngùi.

Khu tưởng niệm nhân dân An Dương bị bom Mỹ sát hại sáng 21-12-1972.

Người dân phường Yên Phụ chờ dâng hương tưởng niệm nhân dân An Dương bị bom Mỹ sát hại.

Trận bom của không quân Mỹ đánh vào Nhà máy Điện Yên Phụ ngày 21-12-1972 gây thiệt hại nặng nề nhất về người và của. Chỉ trong nửa ngày, máy bay Mỹ đã hai lần đánh phá khu vực nhà máy điện và nhà ở của công nhân. Những ngày tháng bảo vệ nhà máy điện, tham gia cứu sập, tìm kiếm người bị nạn do bom B-52 tại An Dương cũng là những ký ức không phai trong lòng ông Nguyễn Văn Khoát (sinh năm 1953), tổ trưởng tổ dân phố số 9, phường Yên Phụ. Khi đó chàng trai Nguyễn Văn Khoát mới tròn 20 tuổi, là công nhân, kiêm tự vệ phục vụ chiến đấu tại Nhà máy Điện Yên Phụ.

Ông Khoát kể: “Sau trận bom, 5 công nhân chết, rất nhiều nhà cửa sập. Tôi vừa khôi phục dòng điện, vừa tìm kiếm đồng đội, hàng nghìn tấn than đã vùi lấp các đồng chí, đồng đội của tôi. Là thanh niên, bảo vệ dòng điện như dòng máu của mình, tôi không nghĩ gì sống chết chỉ lao vào cứu lò, cứu máy, để dòng điện luôn luôn tỏa sáng, phục vụ sản xuất, chiến đấu của nhân dân Thủ đô”.

Trong mất mát to lớn, nhân dân An Dương vẫn đoàn kết, kiên cường. Bom đạn của giặc Mỹ không uy hiếp nổi, trái lại chí căm thù và tinh thần dũng cảm được nhân lên gấp bội. Nén đau thương, bà Nguyễn Thị An bới tìm túi cứu thương lao đi cứu người.

“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng còn nhiều người cần mình. Do liên tục trực cấp cứu phòng không, nên tôi có kinh nghiệm. Ra đó, chứng kiến cảnh người khóc, người kêu la, nhà cửa đổ nát, tôi cũng không nao núng mà tìm cách cứu người bằng được”, bà An nói.

Những đổi thay ở An Dương hôm nay.

An Dương đổi thay và phát triển

Sau 50 năm, trên mảnh đất từng hứng chịu bom đạn giặc Mỹ trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trở nên sầm uất, nhà cửa khang trang, hiện đại.

Ngày 17-12-2022, tại khu vực tưởng niệm nhân dân An Dương bị bom Mỹ sát hại, phường Yên Phụ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; Lễ dâng hương tưởng niệm nhân dân An Dương bị bom Mỹ sát hại.

Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ Bùi Thế Cường chia sẻ: “Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cũng là 50 năm cán bộ và nhân dân phường Yên Phụ tưởng nhớ đến 171 đồng bào An Dương bị giặc Mỹ giết hại tháng 12-1972. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng; ghi đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Trong buổi lễ, phường Yên Phụ đã tri ân, tặng quà 78 nhân chứng đã tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm; tặng quà 47 gia đình bị bom Mỹ sát hại tại An Dương.

Đại diện gia đình có người thân bị bom Mỹ sát hại, nhận quà, ông Nguyễn Tiến Bảo bày tỏ: “Tôi biết ơn các cấp chính quyền đã chia sẻ sự mất mát với gia đình, giúp chúng tôi vơi đi những đau thương này”.

Hòa vào dòng người vào dâng hương, nỗi đau trong lòng bà Nguyễn Thị An đã dần nguôi ngoai, nhưng bà vẫn không giấu nổi sự xúc động khi kể chuyện: “Tôi đã sinh thêm 2 người con nữa, giờ các cháu đều đã trưởng thành, có vị trí, công việc ổn định. Từ sự chung sức của gia đình, ngôi nhà năm xưa bị bom tàn phá đã được xây dựng lại”.

Năm nay, ông Nguyễn Văn Khoát bước sang tuổi 71, người công nhân nhà máy điện năm xưa vẫn tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương. Ông nói: “Tôi rất mừng vì sau 50 năm, cơ sở hạ tầng nơi đây đồng bộ, mọi gia đình đều ấm no, đoàn kết thực hiện chủ trương của Nhà nước. Tôi còn sức, còn tham gia cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đóng góp cho tổ dân phố”.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn tặng quà các nhân chứng đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm.

Hiện nay, Yên Phụ đang nỗ lực vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động nhất của quận Tây Hồ. Thu ngân sách nhà nước của phường năm 2022 đạt hơn 12 tỷ đồng; 14/14 tổ dân phố văn hóa; 96,12% gia đình văn hóa; công tác an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

“Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng của Thủ đô, cán bộ và nhân dân hôm nay nguyện quyết tâm đem hết sức lực, trí tuệ, cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng để xây dựng phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, để xứng đáng với những người đã ngã xuống, xứng đáng với sự tin yêu của đồng chí, đồng bào và chiến sĩ cả nước”, Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ Bùi Thế Cường khẳng định.

Quá khứ đã lùi xa, nhưng ký ức đau thương về những hy sinh mất mát và cả tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và đặc biệt là trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, sẽ không phai nhạt trong tâm trí của người dân An Dương. Nhớ về những người đã khuất, cũng là cách trân trọng nền độc lập, tự do và hòa bình của hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Dương ngày đó và bây giờ...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.