(HNM) - Cuối tháng 4 vừa qua, các máy bay chiến đấu của Mỹ - loại F/A 18 Super Hornet của Hãng Boeing và F16 của Hãng Lockheed Martin - đã bị Ấn Độ từ chối mua với lý do không hội đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Máy bay C-130J Hercules của Mỹ đang hướng vào thị trường vũ khí Ấn Độ. |
Việc Ấn Độ bỏ qua thương vụ làm ăn với Mỹ đã bị một số người tại Washington coi là "sự mất mặt" nhất là khi giới chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ mường tượng hợp đồng này là nền tảng hợp tác chiến lược giữa hai nước. Tuy nhiên, Giáo sư Chintamani Mahapatra, người chuyên nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi lại cho rằng thất bại của Mỹ trong thương vụ này chỉ mang ý nghĩa buôn bán mà thôi. Hiện nay, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm là chiếm tới 9% lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn thế giới từ năm 2006 đến 2010. Hợp đồng trị giá 11 tỷ USD để mua 126 máy bay chiến đấu nói trên chỉ là một phần của kế hoạch chi tiêu 50 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Ấn Độ. Rõ ràng, Mỹ - nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới không thể bỏ qua vị "khách hàng vàng" Ấn Độ. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi cuối tháng 1 năm nay, trợ lý Ngoại trưởng Robert Blake, người phụ trách khu vực Nam và Trung Á tuyên bố, Mỹ đã loại Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước nằm trong nhóm cấm vận về vũ khí, đồng thời sẽ giúp đỡ Ấn Độ phát triển vũ khí công nghệ cao và hàng không vũ trụ. Hiện nay, có 9 công ty quốc phòng và hàng không của Ấn Độ được Mỹ đưa từ "danh sách đen" sang "danh sách hỗ trợ". Theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ), thị trường Ấn Độ là mảnh đất màu mỡ đối với Mỹ, bởi hiện nay kim ngạch xuất khẩu mậu dịch của hai nước vẫn ở mức quá nhỏ, mà tiềm năng của thị trường Ấn Độ lại rất lớn. Vì vậy, việc Mỹ dỡ lệnh cấm bán vũ khí cho Ấn Độ là cái mốc có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường quan hệ Mỹ - Ấn. Hợp tác quốc phòng mang lại lợi ích kinh tế cho cả Ấn Độ và Mỹ, tạo thêm nhiều việc làm cho cả hai nước.
Dù Mỹ "hụt" thương vụ mua bán máy bay quân sự trị giá 11 tỷ USD với Ấn Độ thì điều đó không có nghĩa nỗ lực của Mỹ trong việc thiết lập mối quan hệ công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ bị thụt lùi. Thực tế, các công ty sản xuất vũ khí Mỹ vẫn đủ khôn khéo để giành được những hợp đồng bán các loại vũ khí khác cho Ấn Độ trị giá hàng tỷ USD. Trong tương lai gần, việc Mỹ xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ sẽ làm thay đổi sự thống trị về vũ khí của Nga trong quân đội Ấn Độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.