Thế giới

Ấn Độ cảnh báo việc giải cứu công nhân bị mắc kẹt sẽ mất thời gian

Kim Phượng 17/11/2023 - 20:45

CNA ngày 17-11 dẫn lời lực lượng cứu hộ Ấn Độ cho biết, họ mới khoan được một nửa khối đất đá khổng lồ để tiếp cận 40 công nhân đang bị mắc kẹt trong đường hầm bị sập cách đây gần một tuần.

Theo giới chức nước này, một chiếc máy khoan tiên tiến thứ hai sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không tới bang Uttarakhand sau khi chiếc máy khoan hiện tại đầu tiên được lực lượng không quân đưa đến hôm 15-11 va phải một tảng đá.

Các máy xúc đã loại bỏ các mảnh vỡ sáng 12-11 nhằm tạo lối thoát cho các công nhân sau khi một phần đường hầm đang xây dựng bị sập ở bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya. Các nỗ lực cứu hộ đã bị chậm lại do các mảnh vỡ tiếp tục rơi xuống.

Dự kiến, lực lượng chức năng sẽ phải khoan khoảng 60m mới có thể tiếp cận 40 nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ sập đường hầm hôm 12-11.

Anshu Manish Khalko, giám đốc tập đoàn cơ sở hạ tầng và đường cao tốc của chính phủ nói với các phóng viên vào chiều nay: “Máy khoan đã thực hiện tới độ sâu 24m và còn 36m nữa để tiếp cận được các công nhân”. Các kỹ sư đang cố gắng đưa một ống thép rộng khoảng 90cm xuyên qua đống đất đá, đủ rộng để những người bị mắc kẹt có thể chui qua.

Không có thông tin chi tiết chính thức nào được đưa ra về tình trạng của những công nhân này, nhưng truyền thông địa phương đưa tin, một số người bị nôn mửa, đau đầu và các vấn đề về dạ dày.

Một bệnh viện dã chiến gồm 6 giường cũng đã được thiết lập bên ngoài địa điểm với xe cứu thương túc trực để chuyển các trường hợp nghiêm trọng đến bệnh viện.

Đường hầm dài 4,5km đang được xây dựng giữa thị trấn Silkyara và Dandalgaon để kết nối Uttarkashi và Yamunotri, hai trong số những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hindu. Đây là một phần trong dự án đường bộ của Thủ tướng Narendra Modi nhằm cải thiện điều kiện đi lại giữa một số ngôi đền Hindu nổi tiếng nhất trong nước cũng như các khu vực giáp biên giới Trung Quốc.

Các chuyên gia đã cảnh báo về tác động của việc xây dựng rộng rãi ở Uttarakhand, nơi dễ bị lở đất. Tai nạn tại các dự án cơ sở hạ tầng lớn thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ.

Hồi tháng 1, ít nhất 200 người thiệt mạng do lũ quét ở Uttarakhand trong một thảm họa mà các chuyên gia đổ lỗi một phần là do sự phát triển quá mức ở khu vực này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ cảnh báo việc giải cứu công nhân bị mắc kẹt sẽ mất thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.