Nhóm công nhân bắt cua mặt quỷ ở dọc bờ biển Lý Sơn về làm mồi nhậu, một giờ sau khi ăn, 3 người có dấu hiệu tê cứng chân tay, khó thở.
Cua mặt quỷ. Ảnh tư liệu |
Bệnh nhân Nguyễn Văn Khôi và 2 đồng nghiệp được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sáng 8/5 trong tình trạng tê chân, tay, tê miệng, khó thở. Thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán họ có triệu chứng ngộ độc thần kinh vì ăn cua mặt quỷ.
Anh Khôi cho biết, chiều 7/5, sau buổi làm việc, khoảng 7 công nhân đi dọc bờ kè ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, bắt cua ốc làm mồi nhậu. "Chúng tôi bắt được 10 con cua hình dáng kỳ dị, có lông xù xì to gần bằng bàn tay mang về làm mồi. Sau khoảng một giờ ăn cua, tôi cùng hai công nhân khác bị tê cứng chân, tay, khó thở nên mọi người ở lán trại chở đi cấp cứu", anh Khôi kể.
Những người bị nạn được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế quân dân y Lý Sơn. Bác sĩ Dương Tiến Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Sau nhiều giờ truyền dịch giải độc, trợ tim, anh Khôi chuyển biến nặng nên chúng tôi cử điều dưỡng theo tàu cao tốc chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tiếp tục cấp cứu".
Theo bác sĩ Thuận, trong 15 năm qua đã có 6 người tử vong và nhiều người được đưa đến Trung tâm cấp cứu vì ăn loại cua này. Hầu hết họ là người ở xa đến đảo, không biết loài cua này có chứa chất độc.
Theo các chuyên gia thủy sản, cua mặt quỷ cư ngụ ở các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp tại các rạn cạn, vùng triều thấp. Loài cua này chứa độc tố Saxitonin trong thịt và trứng, nhiều nhất là trong càng và chân cua. Một người chỉ ăn 0,5 g thịt cua loại này là đã có thể gây tử vong.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho độc tố Saxitonin trong cua mặt quỷ. Biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu là làm cho bệnh nhân nôn sớm càng nhiều càng tốt, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc; hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn (thở oxy, truyền dịch, trợ tim mạch…).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.