(HNM) - Thời gian gần đây, không ít trường hợp bệnh nhân ung thư, suy thận, xơ gan, tim mạch… phải nhập viện trong trạng thái cơ thể bị suy kiệt nặng, rối loạn chuyển hóa, ngừng tuần hoàn do tin theo phương pháp thực dưỡng, ăn chay, nhai gạo lứt, muối vừng. Chính biện pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học này đã khiến người bệnh tự tước đi cơ hội được cứu sống.
6 lần ngừng tuần hoàn do thực dưỡng
Cho rằng thực dưỡng - một hình thức ăn chay là cách chữa bệnh không dùng thuốc nên trên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều người đã cổ xúy cho trào lưu này, đồng thời kết hợp bán các sản phẩm thực phẩm online. Hậu quả là theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng và phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng. Thậm chí, có những người ăn chay trường để phòng bệnh cũng phải nhập viện vì có dấu hiệu ảnh hưởng đến cơ xương khớp, thiếu vitamin…
Cách đây hơn 2 năm, bà Nguyễn Thị Tâm T. (61 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư vú trái. Sau khi được điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt và bác sĩ chỉ định tiến hành phẫu thuật theo phác đồ. Từ chối việc phẫu thuật, bệnh nhân T. về nhà tự điều trị bằng chế độ ăn chay và tập luyện. Thế nhưng, một thời gian sau, khi khối u ở vú to lên nhanh, kèm theo bị đau đầu thường xuyên, thể trạng suy kiệt, giảm tới 8kg, bà T. mới quay trở lại Bệnh viện K trung ương. “Nếu được quyết định lại, tôi sẽ có lựa chọn sáng suốt hơn, để giờ không phải ân hận khi làm mất đi cơ hội điều trị của chính mình”, bà T. chia sẻ.
Trường hợp như bà T. không phải hiếm gặp tại Bệnh viện K trung ương. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện khẳng định, chế độ ăn chưa bao giờ được nghiên cứu như một phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu. Khi người bệnh lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đây là phương pháp điều trị ung thư thì hoàn toàn sai lầm và không mang lại hiệu quả. Thậm chí, có những bệnh nhân “bỏ đói” tế bào ung thư bằng cách không uống sữa, không ăn thịt nhưng biện pháp này cũng không có cơ sở khoa học. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống lại bệnh tật.
Mới đây, Viện Tim mạch Việt Nam đã cấp cứu và đặt stent cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh B. (sinh năm 1962 ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) bị hẹp động mạch vành. Trước khi nhập viện, bệnh nhân áp dụng chế độ ăn chay gạo lứt, muối vừng theo liệu trình kéo dài 45 ngày như trào lưu được lan truyền trên mạng xã hội. Thế nhưng, khi thực hiện ăn chay đến ngày thứ 41, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, giảm ý thức.
Bệnh nhân được Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Tại đây, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, hạ kali. Sau 40 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, có nhịp tim trở lại. Bệnh nhân sau đó có thêm 5 lần ngừng tuần hoàn nhưng đều được cấp cứu kịp thời. Khi được xuất viện, về nhà một ngày, bệnh nhân đau tim dữ dội và phải quay trở lại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Từ đây, bệnh nhân được chuyển lên Viện Tim mạch Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và do không hiểu về bệnh lý lại tự tìm đến “bác sĩ Google” để áp dụng chế độ ăn chay khiến cho bị giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim. Viện Tim mạch đã phải cấp cứu khá nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch nói chung, mạch vành nói riêng trong tình trạng nguy hiểm vì tự ý đổi đơn thuốc, tự ý dùng các thuốc trôi nổi theo mách bảo của người quen, hay điều chỉnh ăn uống theo kiểu thực dưỡng.
Không nên tin theo “bác sĩ Google”
Thống kê tại Mỹ cho thấy, cứ 5 người mắc bệnh thì có 2 người tự tìm kiếm thông tin trên Google và áp dụng, dẫn đến chẩn đoán sai bệnh cho bản thân khiến bệnh tình nặng hơn. Còn tại Việt Nam, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức nhưng tình trạng người dân tin theo “bác sĩ Google” rất phổ biến.
Trên internet, trên mạng xã hội, hiện thông tin về các bệnh tràn ngập, lẫn lộn giữa thông tin khoa học hàn lâm và thông tin thường thức (dễ hiểu nhưng được viết bởi những người không có chuyên môn). Ngoài ra, nhiều thông tin không chính thống nhưng không ít người lại tin theo. “Chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân phải có chế độ ăn uống cân đối, hợp lý, chứ không khuyên họ ăn chay. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thường xuyên đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để các bác sĩ kịp thời có sự điều chỉnh trong dự phòng và điều trị bệnh phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng nói.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên, trong y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được coi là một phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Người bệnh cần có một cơ thể khỏe mạnh, thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, đủ khả năng ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh - trong đó có tế bào ung thư. Muốn vậy, cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất, trong đó hạn chế việc ăn quá mặn, đồ ăn ngọt, các món chiên rán, xào… và hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá. Mọi người cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong phòng chống bệnh tật nói chung và phòng chống bệnh ung thư nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.