(HNM) - Hai hoạt động đang tổ chức tại tỉnh Hòa Bình nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ và 65 năm thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến là Triển lãm hình ảnh tư liệu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến với đồng bào Tây Bắc và Lễ tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Châu Trang, đã gợi lên khí phách anh hùng của "Đoàn binh không mọc tóc" năm xưa.
Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hòa Bình mang tên "Âm vang đoàn quân không mọc tóc", với gần 200 hình ảnh và hiện vật, được chia thành ba chuyên đề: "Lịch sử ra đời, hoạt động trong chiến đấu, trong xây dựng và trưởng thành của Trung đoàn 52 Tây Tiến"; "Những sáng tác văn hóa nghệ thuật của bộ đội Tây Tiến"; "Những hoạt động tri ân của Đảng, lãnh đạo các cấp và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình với bộ đội Tây Tiến".
|
Các CCB Tây Tiến tham quan phòng trưng bày. |
Thấm thoắt đã 65 năm kể từ ngày những chàng trai, cô gái Hà Nội và một số tỉnh lân cận gia nhập "đoàn binh không mọc tóc" như mô tả của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng. Ai cũng biết những cơn sốt rét cùng những căn bệnh đặc trưng của vùng rừng thiêng nước độc đã khiến những người chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến phải cạo trọc đầu. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng đó, nhiều cán bộ và chiến sĩ của Trung đoàn 52 đã hy sinh trên khắp các mặt trận: đường số 6, đường 12 và các mặt trận dọc biên giới Việt - Lào. Những ký ức này được khắc họa và khơi gợi rất rõ trong triển lãm và tiếp tục được bổ sung. Ngay trong ngày khai mạc, đơn vị tổ chức đã tiếp nhận thêm nhiều kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ Tây Tiến do nhân dân hiến tặng. Tiêu biểu có chiếc nồi đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Khuông đã từng dùng để nấu cơm cho bộ đội suốt những ngày ở Sầm Nưa. Theo lời gia đình kể lại, khi đoàn quân Tây Tiến tới Sầm Nưa, bà con Việt kiều tại Lào cùng với đồng bào Lào đã đem một số đồ dùng tới giúp bộ đội trong sinh hoạt, trong đó có chiếc nồi đồng này.
Các CCB Tây Tiến trong hành trình về lại chiến trường năm xưa đã vô cùng xúc động khi được xem lại những hiện vật, tài liệu về chiến trường xưa, về đồng đội cũ đã hy sinh. Mọi kỷ niệm lại ùa về… Không bỏ lỡ một hoạt động tri ân đầy ý nghĩa cũng đang diễn ra tại Hòa Bình, họ lại tiếp tục băng qua những con đường khúc khuỷu, gập ghềnh đến Nghĩa trang Châu Trang (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn). Trong lễ dâng hương, cầu siêu cho vong linh các liệt sĩ Tây Tiến, bản hợp xướng "Tiếng cồng quân y" của nhạc sĩ - liệt sĩ Như Trang và bài thơ Tây Tiến của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng đã vang lên trên loa phát thanh. Hình ảnh CCB Trần Quang Thường, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 52 Tây Tiến, nay đã 95 tuổi, trong bộ quân phục bạc mầu, nghiêm trang giơ tay chào các đồng đội đã hy sinh khi còn rất trẻ khiến nhiều người xúc động. Nơi đây từng là Trạm quân y Châu Trang chữa trị cho chiến sĩ Tây Tiến. Mỗi lần có người hy sinh là tiếng cồng lại vang lên theo nghi lễ của bà con dân tộc Mường. Âm hưởng tiếng cồng đã in đậm trong lòng chiến sĩ như một khúc ca bi tráng. Bài hát "Tiếng cồng quân y" ra đời từ đó và mới được Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc dàn dựng hợp xướng. Bức thư gửi CCB Tây Tiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị được chị Phương Thảo, con gái của nhà thơ Quang Dũng đọc trang trọng. Có lẽ khoảnh khắc này, cùng với những con người của hiện tại và quá khứ sẽ là mãi mãi. Có những điều, những kỷ niệm không vang lên thành lời ca, không có trong áng thơ văn nào nhưng chúng mãi là tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, đậm tình người nhất. Như hình ảnh bà con dân tộc vẫn ngày đêm chăm sóc mộ phần liệt sĩ phần lớn chưa được biết tên. Như chuyện ông Nguyễn Hữu Duyên ở Đồng Tiến, một thiếu sinh quân theo đoàn quân Tây Tiến kể về ba bà mế dân tộc Mường đã huy động bà con đem chăn, chiếu và lương thực cho bộ đội bị sốt rét, bị thương…
Thật hạnh phúc và xứng đáng biết bao khi đợt này, Đài tưởng niệm chiến sĩ Tây Tiến và Nghĩa trang Châu Trang đã được trao Bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Nơi đây sẽ lưu giữ mãi hồi ức oai hùng, bi tráng về "Đoàn binh không mọc tóc".