Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm tình đất mẹ giữa trùng khơi

Đào Duy Mười| 22/07/2010 07:02

(HNM) - Hơn 10 ngày đêm trên chuyến hải hành, trong số 50 thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, có người được hội ngộ cùng chồng, con 6 ngày, nhiều người chỉ có 3 ngày, song ai cũng ngập tràn hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Thành động viên con trai yên tâm công tác tại đảo Trường Sa Đông.


Người mẹ Hà Nội và tấm lòng lính đảo

Ra thăm cán bộ chiến sỹ Trường Sa lần này, trong số 4 người mẹ, có một người Hà Nội, đó là bà Nguyễn Thị Thành, quê ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Bà Thành ra thăm con trai út, cũng là “cậu ấm” của gia đình, trung úy Bùi Xuân Thưởng, công tác tại đảo Trường Sa Đông từ tháng 7-2009.

Trong buổi liên hoan văn nghệ tại đảo Trường Sa Lớn, mặc dù nóng lòng mong gặp con đang trông đợi bên Trường Sa Đông (đảo Trường Sa Đông cách Trường Sa Lớn hàng chục hải lý), bà Thành vẫn say sưa mang khiếu văn nghệ của một cán bộ phụ nữ, phục vụ chiến sỹ và người dân trên đảo. Làn điệu chèo cổ nồng đượm nghĩa tình: “ơi anh chiến sỹ bộ đội Việt Nam, trong hai trận tuyến chẳng tiếc thân mình, vượt qua bao tầm lửa đạn, để cho nước nhà giành độc lập tự do...” và chất giọng mượt mà của cô gái xứ Đoài xưa đã làm say lòng hàng trăm người trên đảo. Từng tràng vỗ tay liên hồi, những tiếng xuýt xoa của mấy anh lính trẻ chốc chốc lại vang lên như đang ngồi xem văn công trên thảm cỏ ở quê nhà. 

Đến Trường Sa Đông, chắc chắn bà ấy sẽ không bình thản được như ở đây mà thế nào cũng khóc khi gặp “cậu ấm”... - Nhiều người trong đoàn công tác nói vậy, song điều đó đã không diễn ra. Vừa đặt chân lên đảo, bà Thành nhanh nhẹn cùng mọi người đến thắp hương trên phần mộ các liệt sỹ đang yên nghỉ tại đảo. Trung úy Bùi Xuân Thưởng lại thấy mình như cậu bé ngày nào, chỉ biết theo chân mẹ, giúp bà làm những việc nghĩa tình với đồng đội.

- Những ngày ở thăm đảo, cả đơn vị của cháu đến vui cùng hai mẹ con tôi. Tôi muốn tự tay giặt cho các cháu mấy bộ quần áo, nấu một vài món ăn quê nhà, nhưng các cháu không để tôi làm. Một hôm, có cậu chiến sỹ cười rất tươi, nói: “Mẹ ra thăm là chúng con vui lắm, có mẹ ở đảo chúng con đỡ nhớ nhà biết bao...” - Bà Thành kể. Còn về “cậu ấm” của mình, bà cho biết: “Trước khi cháu ra Trường Sa, vợ chồng tôi lo lắm, vì ở nhà, cháu luôn được mọi người cưng chiều. Từ ngày cháu ra đảo, vợ chồng tôi thỉnh thoảng lại gọi điện động viên, nhắc nhở cháu, dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ra đây, thấy cháu khỏe mạnh, anh em đoàn kết, yêu thương nhau như con một nhà, tôi không những mừng vì cháu vẫn ghi nhớ lời bố mẹ, mà còn rất tin tưởng vào sự vững vàng của cháu và đồng đội trong nhiệm vụ canh giữ Trường Sa...”.

Biển cũng vui cùng “Ngưu Lang, Chức Nữ”

Tham gia đoàn công tác đưa thân nhân cán bộ, chiến sỹ ra thăm Trường Sa còn có một số cán bộ, nhân viên của Công ty Hải Thành - Quân chủng Hải quân, một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Buổi tối liên hoan văn nghệ trên boong tàu, đại tá Đoàn Văn Huấn, Phó giám đốc Hải Thành nói vui: “Làm nên thắng lợi của chuyến đi chúng ta phải ghi nhận thành tích lớn lao của các “chức nữ”, đó là những cô vợ lính đảo”. Rồi như để chứng minh cho nhận định của mình, anh Huấn chậm rãi kể: “Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ trông coi việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt hai người phải ở cách xa nhau...”.

- Anh Huấn nói không đúng rồi, có ai bắt chúng em sống xa nhau đâu mà ví chúng em như những “Chức nữ”. Ông xã của em cũng như chồng của các chị đây đều vì nhiệm vụ mới sống xa nhà đấy chứ... - Không để anh Huấn kể hết câu chuyện, một phụ nữ đã lên tiếng.

Nhìn người phụ nữ vừa “cự” lại đồng chí Phó giám đốc Hải Thành, ai nấy đều bật cười, vì đó là nhân vật khá nổi trong số các cô vợ lính. Chị là Nguyễn Thị Chí (quê ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) ra thăm chồng là trung úy Nguyễn Văn Phương (quê Nam Định), đang công tác tại đảo An Bang, một đảo ở cực Nam của quần đảo Trường Sa. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, Chí có phần “thô ráp” của một phụ nữ quen với sóng gió mặn mòi của biển, nhưng trong giao tiếp, Chí rất cởi mở, chân thành nên mọi người trong đoàn đều quý mến.

- Phương thường xuyên vắng nhà như vậy, chắc Chí phải vất vả lắm? - tôi hỏi.
- Vất vả em chịu được, nhưng nhớ thì nhiều khi hết chịu nổi...

- Cái “hết chịu nổi” nó như thế nào, Chí kể cho các anh nghe được không?
Cô vợ lính đảo kể rất hồn nhiên: “Em và anh Phương quen nhau, lấy nhau rất nhanh. Năm 1990, Phương ra công tác tại đảo Phú Quý, quê em. Em quen anh ấy trong một lần được cô bạn gái rủ lên thăm đơn vị đóng quân trên ngọn núi ở đảo. Đầu năm 1991 chúng em cưới nhau, lễ cưới chỉ có họ hàng bên ngoại, bên chú rể chỉ có các anh bộ đội. Em cảm nhận, hình như lấy nhau rồi chúng em mới yêu nhau, vì thế xa nhau, em nhớ anh ấy lắm, nhớ đến cồn cào cả người...”.

- Nghe những lời “mở lòng” của Nguyễn Thị Chí, mọi người đều bật cười vì nét vô tư, mộc mạc của một phụ nữ nơi biển đảo, nhưng cũng thấy chùng lòng, xao động!...

- Được ra thăm ông xã, Chí thấy thế nào?
- Rất vui, nhưng thời gian trôi đi nhanh quá các anh, các chị ạ...
Nghe vậy, Phó đoàn công tác, thượng tá Nguyễn Viết Thuân “bật mí”:

- Chiều hôm qua cô ấy điện thoại, xin phép ở lại đảo thêm 2 ngày, tôi phải “dọa”, nếu ở lại, thủy triều xuống, tàu không vào đón được thì làm thế nào, cô ấy trả lời ráo hoảnh: “Em bơi ra”. Tôi phải lựa lời khuyên giải, em còn phải về nhà xem con gái chuẩn bị thi đại học nữa chứ, cô ấy mới vui vẻ trở lại...

Giây phút hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Chí bên chồng tại đảo An Bang.

Như để “chữa ngượng”, Chí nói: ở đảo, tối nào anh Phương nhà em cũng cùng đồng đội thức xem bóng đá World Cup, còn em thì pha trà, nướng khô mực phục vụ các anh ấy hò hét, đến là vui...

Trong số các “Chức Nữ” ra thăm chồng công tác tại Trường Sa có người trẻ tuổi nhất là Trần Thị Mỹ Lương, sinh năm 1985 (quê ở xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) ra thăm chồng là Võ Ngọc Vỹ, công tác tại đảo Đá Đông. Trong câu chuyện của Lương, chúng tôi được biết, Vỹ hơn Lương 4 tuổi, là người xã bên, trong một lần về phép, anh lính hải quân bén duyên cô nữ sinh vừa tốt nghiệp lớp trung học nghề, cưới nhau vừa tròn 10 ngày, Vỹ lại ra đảo công tác, từ tháng 12-2008 đến nay chưa một lần về thăm nhà. Để “thi đua” với chồng và cũng để khỏa lấp thời gian chờ đợi, Lương vừa hăng say làm việc ở nhà máy, vừa tập trung ôn thi đại học. Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2009, Lương trúng tuyển, hiện đang học năm thứ nhất tại Đại học Duy Tân TP Đà Nẵng. Nhận tin được ra Trường Sa thăm chồng, Lương mừng lắm, nhưng cô đang chuẩn bị thi hết môn học nên không thể... Biết chuyện, thầy chủ nhiệm, các thầy cô bộ môn động viên: “Em làm đơn xin hoãn thi, nhà trường sẽ giải quyết. Ra thăm chồng công tác ngoài Trường Sa cũng là nhiệm vụ”. Vì thế, Lương mới yên tâm lên đường. Suốt chặng hải hành từ Cam Ranh ra Trường Sa, Lương luôn miệng nói cười cùng mọi người. Hôm tàu đến đảo Đá Đông, ai cũng vui mừng vì được chứng kiến cảnh “con chim sáo” của đoàn công tác chạy ào tới ôm chầm lấy chồng, hít hà lên má, lên môi anh lính đảo...


Cũng thăm chồng ở đảo Đá Đông, nhưng “Chức nữ” Hà Thị ích (quê ở xã Hợp Thịnh, Hiệp Hòa - Bắc Giang) khá kín đáo. Phút đặt chân lên đảo, ích chỉ cười rồi khẽ lên tiếng chào cán bộ, chiến sỹ ra đón đoàn công tác và thân nhân. Thấy “hơi lạ”, tôi hỏi chuyện thì được ích chia sẻ: “Chồng em là chính trị viên một đơn vị trên đảo, em không dám làm ảnh hưởng đến công việc của anh ấy. Được ra thăm Trường Sa là em phấn khởi lắm rồi. ở quê, em là giáo viên dạy môn Lịch sử, đây là dịp hiếm có để em học hỏi và tích lũy kiến thức thực tế. Em hy vọng, tới đây, các bài giảng của em sẽ thu hút được sự chú ý của học sinh hơn, qua đó góp phần nhân lên trong các em tình yêu quê hương, để rồi các em sẵn sàng tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam...”.

Những suy nghĩ của một cô giáo, người vợ một cán bộ đang công tác tại Trường Sa thực sự vượt quá điều tôi muốn biết, nên không hỏi gì thêm. Gặp chồng của cô, đại úy Đồng Minh Sỹ, tôi chỉ thăm dò: “Anh Sỹ hạnh phúc thật, có vợ vừa xinh, vừa yêu nghề, lại rất yêu chồng...”. Sỹ nở nụ cười tươi: “Anh nhà báo quá khen rồi, chúng em hiểu được nhau mà, tất cả đều vì nhiệm vụ cả...”.

Cảm mến đôi trai tài, gái sắc, khi về đến đất liền, tôi lấy điện thoại gọi đến số máy cầm tay Đồng Minh Sỹ, có ý hỏi thăm và chúc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Đông nói riêng, Trường Sa nói chung. Sau hồi “tút” dài, điện thoại vang lên bản nhạc với giọng ca: “... Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh...”. Lời ca quen thuộc, đầy ý nghĩa này tôi đã nhiều lần nghe cán bộ, chiến sỹ Trường Sa hát trên tàu HQ 996, nay được nghe qua bản nhạc chờ từ chiếc máy điện thoại của anh cán bộ làm công tác chính trị trên đảo Đá Đông khiến tôi không khỏi xúc động. Vâng, chúng tôi tin rằng, các anh, các chị vẫn luôn bên nhau, vì bên các anh, các chị luôn có Trường Sa. Và chúng tôi cũng luôn vững tin vào nghị lực, bản lĩnh của các anh, các chị, những “Ngưu lang, Chức nữ” biết sống xa nhau vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm tình đất mẹ giữa trùng khơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.