Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam cho rằng các nền bóng đá trong khu vực vẫn đi sau vài thập niên so với trình độ thế giới hiện nay.
Ông Riedl đã nhận lời dẫn dắt tuyển Indonesia hồi đầu tháng 5. Đây là quốc gia Đông Nam Á thứ ba và là nước châu Á thứ tư mà ông từng làm việc sau Việt Nam, Lào và Palestine. Việt Nam là nơi Riedl dừng chân lâu nhất với 6 năm dẫn dắt đội tuyển quốc gia, đội U23 và gần một năm nữa làm việc ở cấp CLB với Khánh Hòa rồi Hải Phòng.
Riedl thuộc số ít HLV có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhất trong làng bóng đá Đông Nam Á. Ảnh: M.K. |
Gần 7 năm gắn bó giúp Riedl có cái nhìn tương đối sâu và đầy đủ về bóng đá Việt Nam, mà theo ông đã có những tiến bộ gần đây: "Bóng đá Việt Nam ngày càng thu hút sự chú ý từ xã hội. Rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã đầu tư cho bóng đá. Đó là cơ sở để nền bóng đá này phát triển nhanh trong ít năm qua".
Tuy nhiên, khi trả lời tạp chí FIFA về khoảng cách trình độ giữa bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung so với thế giới cũng như cơ hội để các đội tuyển trong khu vực lọt vào World Cup, nhà cầm quân người Áo tỏ ra rất thực tế. Ông còn chỉ rõ những hạn chế của bóng đá khu vực.
"Phải vài thập kỷ nữa, Đông Nam Á mới có thể bắt kịp trình độ của bóng đá thế giới và lọt vào vòng chung kết World Cup. Muốn làm điều đó, các quốc gia trong khu vực trước tiên phải cải thiện hạ tầng dành cho bóng đá. Lào chỉ có 8 đội bóng chuyên nghiệp, còn ở Việt Nam, quốc gia cuồng nhiệt về bóng đá, cũng chỉ có 50 đội. Đây là những con số quá khiêm tốn khi so với khoảng 2100 câu lạc bộ ở Áo - quê hương tôi. Một đội ngũ HLV chất lượng và những kế hoạch dài hơi cũng là yếu tố mà các nền bóng đá ở Đông Nam Á cần phải chú trọng đầu tư", Riedl nhấn mạnh.
HLV 60 tuổi này cũng thừa nhận công việc hiện tại ở Indonesia là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông: "Ở một quốc gia có dân số 260 triệu người như Indonesia, áp lực từ sự kỳ vọng đương nhiên rất lớn. Tôi lại chịu trách nhiệm cho thành tích của cả đội tuyển quốc gia lẫn đội U23 , đồng thời nâng tầm trình độ bóng đá ở cả Indonesia".
Điều khiến Riedl lo ngại hơn cả khi ký vào bản hợp đồng hai năm với LĐBĐ Indonesia là việc các CLB trong nước có xu hướng trọng dụng ngoại binh và vì thế, làm hạn chế cơ hội phát triển, thể hiện tài năng của các cầu thủ bản địa : "Giải vô địch Indonesia cho phép mỗi CLB sử dụng tới 5 ngoại binh. Điều đó có nghĩa là những vị trí trọng yếu phần nhiều đều thuộc về các cầu thủ ngoại".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.