(HNM) - Đây là nhóm Hồi giáo cực đoan xuất thân từ Liên minh các Tòa án Hồi giáo (ICU) - một nhóm Hồi giáo ôn hòa hơn từng giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Somalia vào năm 2006 do bất ổn chính trị kéo dài.
Một nhóm chiến binh al-Shabab. Ảnh: TL |
Kể từ năm 2007, ICU vấp phải sự truy quét mạnh mẽ của lực lượng an ninh nước láng giềng Ethiopia dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Sự sụp đổ của ICU đã khiến phong trào Hồi giáo tại Somalia trở nên cực đoan hơn và khai sinh ra Al-Shabab (có nghĩa là Tuổi trẻ). Sau khi thành lập, Al-Shabab đã dần mở rộng vùng lấn chiếm sang miền Nam Somalia, nơi quyền lực của chính quyền trung ương rất yếu ớt.
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu có những thay đổi lớn sau tháng 2-2012, thời điểm, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết bổ sung thêm 5.000 quân cho phái bộ của Liên minh Châu Phi tại Somalia (AMISOM). Đồng thời, cơ quan này cũng ủy quyền cho AMISOM tổ chức các chiến dịch phối hợp với lực lượng an ninh Somalia nhằm giảm bớt mối đe dọa của Al-Shabab và tạo ra các điều kiện để chính phủ nước này thực thi quyền hạn của mình trên toàn quốc. AMISOM và các lực lượng của Somalia đã tiến hành hàng loạt chiến dịch quân sự trên khắp cả nước, qua đó đánh bật Al-Shabab ra khỏi những vùng đất tổ chức này từng kiểm soát trong nhiều năm. Điều đó buộc Al-Shabab chuyển trọng tâm hoạt động từ việc củng cố các căn cứ địa ở Somalia sang chiến lược đánh du kích nhằm trừng phạt các nước Châu Phi tham gia AMISOM. Đây chính là lý do khiến Al-Shabab thực hiện vụ bắt giữ con tin mới đây nhằm vào trung tâm thương mại Westgate ở Kenya - quốc gia đóng góp tới 5.500 quân cho AMISOM - làm hơn 70 người thiệt mạng. Trước đó, Al-Shabab cũng tấn công vào các mục tiêu ở nước ngoài, trong đó có vụ đánh bom vào năm 2010 tại Uganda, cướp đi mạng sống của 74 người.
Thủ lĩnh của nhóm này chính là Ahmed Godane, tức Abu Zubeyr, hay còn được gọi là "Osama bin Laden của Al-Shabaab". Theo nguồn tin tình báo Mỹ, Godane từng trải qua khóa huấn luyện quân sự tại Afghanistan trước khi trở về Somalia vào cuối năm 2001. Godane đã công khai ủng hộ chiến lược thánh chiến toàn cầu và vụ Westgate vừa qua giúp tên này củng cố vị thế trong nội bộ tổ chức.
Theo các nhà phân tích, danh sách mục tiêu tấn công tiềm năng của Al-Shabab rất dài, bao gồm các nước tham gia AMISOM như Kenya, Uganda, Buruni và Djibouti. Ngoài ra, Al-Shabab cũng có thể triển khai các chiến dịch tại vùng Vịnh Aden và miền Nam Yemen. Trước đó, thủ lĩnh Godane của nhóm này cũng từng nhiều lần tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tấn công trong lòng nước Mỹ.
Sau vụ tấn công Westgate, chắc chắn Al-Shabab sẽ vấp phải sự đáp trả của lực lượng an ninh quốc tế. Tuy nhiên, việc "thương hiệu" Al-Shabab ngày càng được chú ý sẽ giúp nhóm này dễ tuyển mộ thêm chiến binh và quy tụ nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác dưới ngọn cờ của mình. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sự ổn định của vùng Sừng Châu Phi và là thách thức lớn tới an ninh toàn cầu trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.