Trong một nghị quyết được đưa ra sau cuộc họp cấp Ngoại trưởng của Liên đoàn Arập (AL) ở thủ đô Cairô (Ai Cập), AL đã kêu gọi Tổng thống Syria, Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo AL, Syria cần thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới trong vòng hai tháng với sự tham gia của các lực lượng đối lập, hướng tới thực thi sáng kiến Arập và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống dưới sự giám sát của các nước Arập cũng như cộng đồng quốc tế. AL kêu gọi Chính phủ Syria và tất cả các lực lượng đối lập tiến hành đối thoại nghiêm túc dưới sự bảo trợ của AL trong thời hạn không quá hai tuần để nhanh chóng thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Nghị quyết cho rằng chính phủ đoàn kết dân tộc này cần lập lại an ninh và ổn định tại Syria, tái tổ chức hệ thống cảnh sát để gìn giữ, tăng cường trật tự xã hội đồng thời nghị quyết cũng kêu gọi mọi quốc gia Arập ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc mới ở Syria.
Nghị quyết của AL còn cho rằng Chính phủ Syria cần chuẩn bị một bản dự thảo Hiến pháp để được thông qua ở một cuộc trưng cầu ý dân rộng rãi.
Đáng chú ý là AL tuyên bố tìm kiếm sự ủng hộ của Liên hợp quốc đối với những nỗ lực mà tổ chức này đang thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Thủ tướng Cata, Sheikh Hamad bin Jassim al Thani, người chủ trì cuộc họp Ngoại trưởng AL vừa qua, nói rằng "AL sẽ thông báo tới LHQ tất cả các nghị quyết của mình để được thông qua". Ông Thani cũng cảnh báo nếu sáng kiến Arập mới không được Đamát thực thi thì AL sẽ đưa vấn đề lên Hội đồng bảo an LHQ. Theo Thủ tướng Cata, kế hoạch mà AL đưa ra này nhằm vạch ra "lối thoát hòa bình cho chế độ Syria hiện nay".
Trong khi đó, Tổng thư ký AL, Nabil al-Arabi giải thích rằng đề nghị yêu cầu LHQ ủng hộ là nhằm "tăng thêm sức mạnh" cho sáng kiến Arập. Một điểm nữa trong sáng kiến Arập mới này là Tổng thư ký AL sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên tại Syria chịu trách nhiệm giám sát những diễn biến tại đây.
Về sứ mệnh quan sát viên của AL tại Syria đang gây nhiều tranh cãi, AL cũng đã quyết định kéo dài nhiệm vụ này thêm một tháng đồng thời tăng số lượng quan sát viên. Các quan sát viên AL được triển khai tại Syria từ cuối tháng 12/2011 và đang chịu nhiều chỉ trích vì bị coi là đã thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực. Ngày 22/1, Arập Xêút tuyên bố rút quan sát viên của nước này khỏi Syria vì chính quyền Đamát không thực hiện những cam kết của mình. Arập Xêút cũng hối thúc các nước Arập "nghiêm chỉnh tôn trọng các quyết định trừng phạt của AL đối với Syria" để buộc chính quyền nước này phải tuân thủ những cam kết chấm dứt bạo lực.
Phản ứng sau khi AL công bố kế hoạch mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) đối lập hoan nghênh việc AL dự định tìm kiếm sự ủng hộ từ LHQ. Tuy nhiên, người đứng đầu SNC, Burhan Ghaliun nói rằng "bất cứ chuyển giao nào tại Syriai cũng cần đầu tiên là tuyên bố về sự ra đi của Tổng thốngAssad".
Tuy nhiên, Chính phủ Syria ngày 23/1 đã mạnh mẽ bác bỏ kế hoạch của AL về việc chuyển giao quyền lực của Tổng thống Assadt cho Phó Tổng thống. Truyền hình quốc gia Syria dẫn lời một quan chức nói rằng sáng kiến này là một "sự can thiệp trắng trợn" vào công việc nội bộ, là một "đòn giáng" vào chủ quyền quốc gia.
Trong khi đó, ngày 22/1, bạo lực vẫn tiếp diễn cướp đi sinh mạng của 18 người ở Syria. Đáng lưu ý là trong ngày đẫm máu này, nhiều binh sĩ, sĩ quan quân đội Xyri trở thành mục tiêu bị tấn công. Theo hãng thông tấn SANA, một nhóm khủng bố vũ trang đã nổ súng vào ô tô của một sĩ quan quân đội ở ngoại ô thủ đô Đamát làm hai sĩ quan thiệt mạng và 4 binh sĩ bị thương. Còn ở tỉnh miền Trung Homs, một xe buýt bị tấn công làm 11 người, trong đó có một số binh sĩ, thiệt mạng./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.