(HNM) - Năm học 2015-2016, theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) tăng từ 3% lên 4,5% lương cơ bản. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh mệt mỏi, nhà trường cũng chẳng vui vẻ gì.
Gánh nặng đầu năm
Con vừa vào năm học mới, chưa đến ngày họp phụ huynh nhưng chị Trần Thị Thu (quận Hoàng Mai) đã giật mình khi con lớn học lớp 10 xin 544.000 đồng để nộp BHYT. Chưa kịp hỏi đầu cua tai nheo thì con thứ hai học lớp 6 cũng xin chừng đó tiền. Gọi điện cho cô giáo, chị Thu mới biết từ năm nay, tiền BHYT cho HSSV sẽ đóng tăng từ 290.000 đồng lên 450.000 đồng. Đã thế, do muốn làm tròn năm gì đó nên đợt đóng này là 15 tháng, khiến số tiền đóng góp lên tới gần 550.000 đồng. Chị Thu cho biết, mọi khi cứ đầu năm học, đi họp phụ huynh là mỗi con phải đóng gần 2 triệu tiền phí các loại. Có lẽ năm nay nhiều khoản tiền nên nhà trường chia nhỏ ra thu cho bố mẹ đỡ sốt ruột.
Tham gia bảo hiểm y tế để trẻ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. |
"Năm nay hai con vừa vào đầu cấp nên chắc sẽ phải đóng thêm tiền xây dựng trường, tiền cơ sở vật chất cho lớp học… Rồi tiền mua quần áo mới cho con, tiền sách vở, cặp… Bây giờ tiền BHYT lại tăng gấp rưỡi, có khi hai triệu một đứa cũng chưa đủ. Hai vợ chồng làm công nhân, lương tháng cộng lại có hơn 10 triệu đồng. Nếu đóng học cho con 5-6 triệu thì có lẽ tháng này tiền ăn, tiền điện nước đều bị cắt giảm. Tôi đang tính phải bỏ BHYT của con. Thôi thì trông trời cho chúng khỏe mạnh" - chị Thu cho biết.
Chung nỗi lo, anh Trần Văn Huy (quận Cầu Giấy) cũng đang cân nhắc có nên đóng BHYT cho cả ba con hay không. "Năm nào tôi cũng nộp BHYT nhưng hầu như không sử dụng. Con bị bệnh nhẹ như sốt virus hay ho thì đi ra hàng tự mua thuốc. Còn con ốm nặng thì đi khám ở phòng khám tư". Anh Huy phân trần thêm: "Tôi bỏ tiền mua BHYT đáng nhẽ tôi phải được lựa chọn nơi đăng ký khám ban đầu nhưng lại ép đăng ký ở Trung tâm y tế quận - nơi tôi chưa đủ lòng tin về trình độ bác sĩ lẫn cơ sở vật chất. Hơn nữa, ban ngày vợ chồng bận đi làm, có đi khám phải vào các bệnh viện thì đông đúc, chật chội có khi còn ốm thêm. Vì thế, đi khám tư vào buổi tối là tiện nhất". Theo anh Huy, nếu như được lựa chọn nơi khám BHYT ban đầu, thời gian chờ đợi khám chữa bệnh ít hơn, cơ sở vật chất tốt hơn thì anh cũng không nề hà chuyện đóng tiền BHYT, thậm chí cao hơn mức bây giờ cũng chấp nhận.
Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa: "Với mức đóng 434.000 đồng/năm, mỗi ngày gia đình cũng chỉ phải chi hơn 1.000 đồng/ngày cho việc chăm sóc sức khỏe của trẻ. Rất nhiều trường hợp người dân tiếc tiền không mua thẻ BHYT, đến lúc bị bệnh nặng hoặc cấp cứu do tai nạn, tiền viện phí lớn đến mức phải bán cả nhà, cả tài sản để điều trị. Nếu có BHYT sẽ được chi trả tới 80% tiền viện phí". |
Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm học 2015-2016, mức đóng BHYT của HSSV sẽ tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ bản. Mức đóng này đã được cân nhắc và được quy định trong Luật BHYT sửa đổi vừa có hiệu lực từ đầu năm 2015. BHXH các tỉnh cũng đã họp bàn với ngành Giáo dục từ đầu năm để chuẩn bị cho năm học mới này. Hiện nay, mệnh giá thẻ BHYT tăng từ 400.000 đồng/thẻ/năm lên 621.000 đồng/thẻ/năm. Đối tượng HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng nên mỗi HSSV tham gia BHYT phải đóng hơn 430.000 đồng/thẻ/năm. Ông Thảo cho biết thêm, do năm nay Bộ Tài chính cũng yêu cầu thu BHYT theo năm tài chính (từ tháng 1 đến hết tháng 12) thay vì đóng theo năm học (9 tháng) như trước đây. Do đó, học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất sẽ phải đóng BHYT 15 tháng, "gối vụ" từ tháng 10-2015 đến hết tháng 12-2016.
Theo ông Thảo, việc đóng BHYT theo năm tài chính có nhiều cái lợi. Vì nhiều HSSV cũng nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, được hưởng mức hỗ trợ cao của ngân sách nhà nước. Nếu em nào thuộc hộ nghèo thì được cấp miễn phí thẻ BHYT, còn cận nghèo thì chỉ phải đóng nhiều nhất là 30% giá trị thẻ. Có tỉnh còn trích ngân sách đóng thêm từ 10% đến 30% giá trị thẻ BHYT còn lại cho hộ cận nghèo. Nếu cuối năm, danh sách gia đình hộ nghèo và cận nghèo có biến động, HSSV sẽ ra (hoặc vào) khỏi danh sách. Lúc đó, quyền lợi của các em lại thay đổi, lại phải làm lại thẻ, nộp thêm tiền (hoặc được trả lại tiền).
Đóng làm nhiều lần
Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, trường nằm trên địa bàn đa số người dân làm nghề nông, thu nhập thấp. Bình thường, tiền BHYT cho mỗi HSSV gần 300.000 đồng mà việc vận động thu cũng đã rất khó khăn. Do ngành Giáo dục đưa tỷ lệ đóng BHYT là một chỉ tiêu thi đua nên trường ông và nhiều trường khác dù chất lượng dạy và học tốt mà vẫn bị trừ điểm vì không đạt tỷ lệ học sinh đóng BHYT cao. Bây giờ số tiền tăng lên gấp rưỡi thì chắc chắn tỷ lệ đóng đã giảm.
Theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), mức đóng BHYT của HSSV tăng gấp rưỡi không làm khó nhiều người thành thị nhưng ở nông thôn sẽ ảnh hưởng không ít. Nhất là trong bối cảnh đầu năm học, phụ huynh phải đóng nhiều khoản phí, mua sắm sách vở, quần áo cho con. Do là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới nên số tiền đóng BHYT cũng lên tới 15 tháng.
Để bớt gánh nặng cho người dân, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tùy điều kiện địa phương có thể chia nhỏ mức đóng BHYT thành 3 tháng, 6 tháng thay vì đóng "cả cục" 12 tháng hoặc 15 tháng. Ví dụ như Hà Nội triển khai thu 6 tháng một lần. Ông Lê Văn Khảm - Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã thống nhất với BHXH có văn bản yêu cầu các tỉnh thực hiện thu BHYT cho HSSV một cách linh động. Thời hạn của thẻ BHYT cũng tùy với số tháng đóng tương ứng. Tuy giấy tờ hơi phức tạp nhưng trước mắt có thể đỡ gánh nặng cho phụ huynh.
Ông Sơn cho biết thêm, mục tiêu của BHXH Việt Nam là cuối năm 2015, 100% HSSV sẽ tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có 80% HSSV tham gia BHYT. 20% chưa tham gia (khoảng 3,2 triệu em) thuộc gia đình khó khăn, đông con hoặc sinh viên năm thứ hai trở đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.