Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai hưởng lợi?

Quỳnh Dung| 03/02/2012 07:16

(HNM) - Hiện nay, đã là ngày 11 tháng Giêng, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động bình thường trở lại, song giá thực phẩm các mặt hàng vẫn tăng mạnh so với thời điểm trước Tết.

Nhưng có một nghịch lý là trong khi giá bán tại các chợ đều tăng đáng kể thì giá bán tại nơi sản xuất chỉ tăng nhẹ, thậm chí là ngang bằng so với thời điểm trong Tết. Phải chăng người tiêu dùng đang bị các thương lái tranh thủ… "móc túi"?


Những ngày sau Tết, các loại thực phẩm tăng giá mạnh. Ảnh: Đàm Duy

Giá thực phẩm tăng từ 30% đến 50%

Theo khảo sát của PV Báo Hànộimới, tại một số chợ trên địa bàn Thủ đô, mặc dù đã ngoài mùng 10 Tết, một số mặt hàng thực phẩm đã hạ nhiệt so với ngày 3-4 Tết nhưng vẫn tăng mạnh so với trước Tết Nguyên đán. Cụ thể một số loại rau xanh như rau cần có giá từ 7.000-8.000 đồng/mớ, bắp cải 12.000 đồng/kg; su hào 7.000 đồng/củ; khoai môn có giá 25.000 đồng/kg…. Nhưng tăng mạnh nhất phải kể đến các loại thịt, nhiều mặt hàng như thịt bò, tim cật, cá, thịt lợn tăng giá từ 30% đến 50%, khiến người tiêu dùng chóng mặt. Chẳng hạn như thịt bắp bò, thời điểm trước Tết có giá 180.000 đồng/kg thì hiện đã tăng lên 270.000 đồng/kg; thịt thăn bò tăng từ 200.000 đồng/kg lên 290.000-300.000 đồng/kg. Thịt lợn ba chỉ từ 90.000 đồng/kg nay có giá 120.000-130.000 đồng/kg; thịt nạc thăn tăng từ 130.000 đồng/kg lên 170.000 đồng/kg; móng giò từ 60.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg. Các loại thủy sản cũng tăng giá mạnh như cá chép to có giá 120.000-150.000 đồng/kg, tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; cá rô phi to cũng tăng giá từ 50.000 đồng lên 90.000 đồng/kg; cá trắm trắng cắt khúc từ 120.000 đồng/kg tăng lên 200.000 đồng/kg; trắm đen từ 160.000 đồng lên 250.000 đồng/kg, tôm sú to từ 350.000 đồng/kg lên 500.000 đồng/kg, tăng 150.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết...

Chị Nguyễn Thị Huyền một người dân ở phường Văn Quán (Hà Đông) cho biết, mấy ngày sau Tết đi chợ mà thấy "choáng" với giá cả tăng cao, chỉ cách trước và sau Tết có mấy ngày mà giá thịt, cá tăng cao. Nếu như trong Tết cầm 200.000 đồng đi chợ đã có một bữa ăn tươm tất cho cả nhà, thì thời điểm này chỉ được vài lạng thịt, khúc cá nhỏ và mớ rau. Theo nhận định của người tiêu dùng thì hiện giá các loại mặt hàng thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu giảm và quay lại mặt bằng giá như những ngày bình thường vì nhu cầu vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung chưa dồi dào. Nếu có giảm chắc phải qua rằm tháng Giêng khi nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân giảm bớt và nguồn cung tăng lên.

Người tiêu dùng có bị "móc túi"?

Anh Hoàng Trọng Long, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước (Thanh Oai) cho biết, từ ngày mùng 2 Tết, trang trại (TT) của anh đã bắt đầu xuất chuồng bán lợn trở lại. Do chăn nuôi theo chu kỳ nên TT cũng có hàng dự trữ để bán trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Hiện nay giá lợn hơi bán tại TT cho các chủ buôn vẫn dao động từ 57.000-58.000 đồng/kg. Theo anh Long, để giá lợn hơi lên mức cao hơn 60.000 đồng/kg là rất khó, vì thực tế tại các TT trên địa bàn huyện Thanh Oai cũng như một vài nơi mà anh biết vẫn không hề tăng so với trước Tết. Hiện giá thịt lợn bán tại các chợ tăng đột biến như vậy có phần do yếu tố đầu cơ của thương lái đánh vào tâm lý của người tiêu dùng sau Tết chứ người chăn nuôi không được hưởng lợi từ việc giá tăng như thế này. Còn theo anh Lê Văn Đạt, chủ TT nuôi cá ở xã Phương Tú (Ứng Hòa), người nuôi thủy sản ở xã đang tập trung thu hoạch từ nay đến hết rằm tháng Giêng. Hiện nay nhiều thương lái đã đến lấy hàng với giá cao hơn thời điểm trước Tết 5.000 đồng/kg, với mức như thế thì không thể tạo nên những cơn "sốt" giá thực phẩm như đang diễn biến thực tế tại các chợ vào thời điểm này.

Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Minh cho biết, ngay từ ngày 8 Tết, đi kiểm tra hoạt động sản xuất của các TT chăn nuôi ở các huyện ngoại thành, ông thấy hầu hết giá bán tại các TT đều không tăng, nhưng giá bán tại các chợ lại tăng đột biến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những giải pháp kìm chế tăng giá, nhưng giá thực phẩm sau Tết vẫn "leo thang". Theo ông Minh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn cung còn hạn chế, người dân chưa trở lại sản xuất thường ngày, vẫn còn tâm lý ăn chơi lễ hội. Mặt khác, công nhân, viên chức, người lao động cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã bắt đầu làm việc trở lại, nên nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng tăng mạnh. Đồng thời, tâm lý vẫn đang còn Tết nên những hộ kinh doanh thỏa sức "hét" giá bắt chẹt người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sau thời gian nghỉ Tết, công tác kiểm tra thị trường của các cơ quan chức năng có phần lơi lỏng, đã tạo kẽ hở cho các thương lái tăng giá. Như vậy phải chăng người tiêu dùng đang bị thương lái "móc túi"?. Theo quy luật, đến hết rằm tháng Giêng dự báo nguồn cung thực phẩm trên thị trường Hà Nội sẽ dồi dào và ổn định, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh buôn bán sôi động trở lại như ngày thường. Hy vọng giá thực phẩm thời gian tới sẽ hạ nhiệt và trở lại với giá trị thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai hưởng lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.