Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai chịu trách nhiệm?

Bài và ảnh: Văn Ngọc Thủy| 09/01/2012 07:53

(HNM) - Những hợp đồng vay vốn đứng tên bên vay là Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 (Bộ Giáo dục - Đào tạo), nhưng có bản không hề có con dấu, chỉ có chữ ký của người đứng đầu, không có số phiếu thu; còn bên cho vay chỉ ghi tên, không có địa chỉ hay số chứng minh nhân dân, không ghi lãi suất hay thời hạn vay…

Báo Hànộimới nhận được đơn kiến nghị của những người dân nguyên là cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần (CP) Thiết bị giáo dục 1 phản ánh, từ tháng 6-2011 đến nay lãnh đạo mới của công ty đột ngột ngừng chi trả lãi và không cho rút gốc số tiền họ đã cho công ty vay thông qua các hợp đồng vay vốn. Bà Đàm Thị Lãng, ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân bức xúc: "31 năm làm thủ quỹ, thấy công ty có chủ trương huy động vốn, tôi đã dồn hết số tiền tiết kiệm được của gia đình, vận động con cháu, bạn bè thân thiết, họ hàng gửi tiền vào đây. Thời gian trước, việc rút lãi, thậm chí rút gốc diễn ra thuận lợi, dễ dàng. Đến tháng 6-2011, sau khi có ban lãnh đạo mới, ngay lập tức họ ngừng mọi khoản chi trả, lấy lý do là chưa nhận bàn giao. Hiện chúng tôi đã nghỉ hưu, mọi nhu cầu sinh hoạt trông chờ vào khoản tiết kiệm này, vậy mà công ty không trả, cũng không có động thái khất nợ, biết xoay xở thế nào".

Những hợp đồng "tự thiết kế" của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1.


Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2001, Công ty Thiết bị giáo dục 1 (từ năm 2007 là Công ty CP Thiết bị giáo dục 1) đã có thông báo huy động tiền nhàn rỗi của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) với lãi suất ngân hàng theo từng thời kỳ. Và việc này được duy trì trong nhiều năm sau đó. Đến nay, những "chủ nợ" chưa nhận được tiền chủ yếu cho công ty vay vào các năm 2008, 2009, giai đoạn ông Nguyễn Ngọc Hải làm Tổng Giám đốc. Theo báo cáo nội bộ đánh giá tình hình tài chính của công ty đến 30-6-2011, ngoài số nợ thuế Nhà nước, nợ bảo hiểm xã hội khoảng 10 tỷ đồng, công ty còn nợ 63 cá nhân nguyên là CBCNV và người thân của họ số tiền lên đến 11,9 tỷ đồng. Nhiều lần các "chủ nợ" đã đến trụ sở yêu cầu ban lãnh đạo mới của công ty trả lời rõ ràng về việc thanh toán các khoản nợ đó, nhưng đều chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Hoàng Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 cho biết: "Từ ngày 1-7-2011, tôi chính thức nhận nhiệm vụ, nhưng đến hôm nay việc bàn giao vẫn chưa hoàn thành. Tình hình tài chính của công ty hiện đang rất khó khăn, các hợp đồng vay vốn cần được làm rõ xem đã đúng quy định hay chưa, dòng tiền đổ về đâu, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đã ký hợp đồng vay. Việc bức xúc của người cho vay là có thật, nhưng chưa được bàn giao cụ thể các khoản vay mượn thế nào, thời hạn lãi suất ra sao, thì làm sao tôi có thể trả lời rõ ràng cho họ và báo chí được". Ngày 14-12-2011, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB), cơ quan chủ quản mới của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 đã có văn bản trả lời các nội dung khiếu kiện của các cá nhân liên quan đến việc vay nợ của công ty. Văn bản khẳng định: "Thời điểm vay tiền, bà Hoàng Thị Kim Loan không phải là lãnh đạo công ty. Tháng 4-2011, khi Bộ Giáo dục & Đào tạo chuyển giao công ty về NXB, ngoài việc vay nợ cá nhân còn nhiều vấn đề khuất tất mà ban lãnh đạo cũ của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 chưa giải trình rõ ràng. Vì vậy, Ban lãnh đạo cũ và mới chưa tổ chức bàn giao được. Về mặt pháp lý, NXB và ban lãnh đạo mới của công ty không chịu trách nhiệm nên không thể giải quyết được. NXB đã báo cáo sự việc trên với các cơ quan chức năng và đang chờ ý kiến chỉ đạo".

Như vậy, chỉ vì tin tưởng vào người đứng đầu công ty mình công tác, nhiều CBCNV và người thân của họ đã lâm vào tình thế khó khăn, không biết số tiền dành dụm cả đời sẽ được định đoạt ra sao. Ai sẽ có trách nhiệm trong việc hoàn trả số tiền mà họ đã được "huy động phục vụ việc kinh doanh của Công ty CP Thiết bị giáo dục 1" còn chờ kết luận của cơ quan chức năng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đối với các cá nhân trong việc cho vay vốn bằng những hợp đồng tùy tiện, không rõ ràng, không có giá trị pháp lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai chịu trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.