Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai Cập: Những ngày rung chuyển

Thùy Dương| 06/02/2011 07:27

(HNM) - Sáng qua (5-2), người ta lại nghe thấy những tiếng súng lớn tại quảng trường Tahrir, nơi hơn 10.000 người phản đối bất chấp lệnh giới nghiêm đã tụ tập trong

Người biểu tình tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, Ai Cập.


Gần hai tuần qua (từ 25-1), Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo (Ai Cập) trở thành tâm điểm của thế giới với các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của đất nước Kim tự tháp. Như "Ngày cuồng nộ" cách đây đúng một tuần, cuộc xuống đường ngày thứ sáu thu hút nhiều người hơn vì là ngày cầu nguyện quan trọng nhất trong tuần của người Hồi giáo. Đây là lời đáp của những người phản đối sau tuyên bố của Tổng thống H.Mubarak kiên quyết không từ chức. Cùng với đó, xem ra cam kết không tái tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 9 tới của Tổng thống đương nhiệm H.Mubarak đã không thể chấm dứt cuộc xuống đường kéo dài hơn 10 ngày qua ở Ai Cập.

Trong một diễn biến theo chiều hướng tích cực, hai đảng phái đối lập chính ở Ai Cập là El Wafd và El Tagammu ngày 4-2 đã quyết định đối thoại với chính phủ mới do Phó Tổng thống Suleiman đứng đầu. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ đáp ứng đề nghị của hai đảng này là bảo vệ người biểu tình tại Quảng trường Tahrir và mở điều tra truy tìm thủ phạm tấn công người biểu tình.

Xung đột và hỗn chiến giữa người ủng hộ và phản đối sự lãnh đạo kéo dài 3 thập niên của Tổng thống H.Mubarack đến nay đã làm ít nhất hơn 100 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị thương. Theo Bộ Y tế nước này, con số thương vong chắc chắn sẽ không dừng lại nếu tình hình không được cải thiện. Làn sóng biểu tình tại Ai Cập nổ ra từ ngày 25-1, khởi nguồn từ cơn bão giá lương thực và thực phẩm tăng vọt như tên lửa trong những ngày qua ở nước này đã làm bùng nổ những vụ cướp bóc, đốt phá ngay tại trung tâm thủ đô Cairo. Tuy nhiên, hệ lụy từ "Cách mạng hoa nhài" ở Tunisia, nơi lần đầu tiên một Tổng thống A Rập bị lật đổ bởi làn sóng biểu tình dẫn đến bạo động được cho là nguyên nhân chính gây cơn địa chấn đang làm rung chuyển xứ sở của những xác ướp.

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay ở Ai Cập, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton nhấn mạnh việc bắt đầu đối thoại giữa nhà chức trách Ai Cập và phe đối lập là "hết sức cần thiết. "EU muốn tiến trình chuyển giao quyền lực ở Ai Cập diễn ra vào thời điểm hiện nay. Từ Bắc Mỹ đến châu Á, các chính phủ đều đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan ở Ai Cập kiềm chế nhằm tránh gây thêm bạo lực, đổ máu tại quốc gia Bắc Phi này...

Ước tính các cuộc biểu tình ở Ai Cập trong những ngày qua đã khiến ngành du lịch nước này bị thiệt hại 1 tỷ USD. Khoảng 1 triệu khách du lịch đã rời khỏi Ai Cập do lo ngại tình trạng bất ổn. Theo báo cáo của Ngân hàng Credit Agricole, khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn ở Ai Cập khiến đất nước này tổn thất khoảng 310 triệu USD/ngày và mức tăng trưởng kinh tế dự đoán của nước này từ mức 5,3% sẽ chỉ còn 3,7% cho năm 2011. Bất ổn đã đẩy giá lương thực, thực phẩm vốn đã cao nay càng cao hơn tại nhiều vùng, khiến người dân Ai Cập càng tỏ ra tức giận. Nhằm giảm thiểu cơn phẫn nộ gia tăng của dân chúng do mất mát trong những ngày biểu tình, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Samir Radwan cho biết chính phủ sẽ trợ cấp 5 tỷ pao Ai Cập (854 triệu USD) cho những người bị thiệt hại về tài sản trong các cuộc biểu tình hơn 10 ngày qua.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy những người biểu tình đòi Tổng thống H.Mubarak từ chức sẽ về nhà theo lời kêu gọi của giới chức nước này. Do đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở xứ sở Pharaoh tiếp tục là sự quan tâm của thế giới trong những giờ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai Cập: Những ngày rung chuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.