(HNM) - Ai Cập đang có một khoảng lặng hiếm thấy từ đầu năm đến nay. Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo không còn bóng dáng người biểu tình.
Không tiếng súng nổ, xung đột và bạo lực. 26 phong trào và đảng phái, ngày 31-7, đã quyết định rời quảng trường này để theo dõi phiên tòa xét xử công khai cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak mở tại thủ đô Cairo. Phiên tòa là bước đi đầu tiên của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA) cũng như chính phủ mới của nước này nhằm đáp ứng yêu cầu của người biểu tình.
Lực lượng quân đội Ai Cập được huy động ở thủ đô Cairo để bảo vệ phiên tòa. |
Ngày 3-8, ông H.Mubarak đã bị đưa ra xét xử với tội danh tham nhũng và ra lệnh sát hại những người biểu tình, với khung hình phạt có thể là tử hình. Cùng ra tòa với ông H.Mubarak còn có hai người con trai là Alaa và Gamal, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib Al-Adly và 6 quan chức khác. Có khoảng 3.000 binh lính quân đội và cảnh sát được điều động để bảo đảm trật tự cho phiên tòa. Nhà chức trách đã quyết định rời địa điểm xét xử về Học viện Cảnh sát ở Cairo do lo ngại về tình hình an ninh. Tuy nhiên, đến phút chót, sau khi đưa cựu Tổng thống H.Mubarak tới Tòa án hình sự để xét xử, Thẩm phán Ahmed Refaat của Tòa án hình sự ở thủ đô Cairo, phải thông báo hoãn phiên tòa xét xử ông H.Mubarak, cùng với hai con trai, tới ngày 15-8 và lệnh đưa ông Mubarak tới Trung tâm Y tế quốc tế tại Cairo nhằm bảo đảm sự có mặt của ông trong phiên xét xử tới, đồng thời cho phép một chuyên gia về ung thư giám sát tình trạng sức khỏe của cựu chính khách này.
Chắc chắn, với tội danh, với áp lực của làn sóng biểu tình dữ dội ở xứ Kim Tự tháp thời gian qua, dư luận cho rằng, cựu tổng thống quốc gia Đông Phi này cùng các thân cận, khó có thể tìm được tình tiết giảm nhẹ. Đơn cử như thời gian xét xử. Mặc dù, vài ngày trước, cơ quan truyền thông Ai Cập đã loan tin ông H.Mubarak tuyệt thực, chỉ uống nước và dùng một ít hoa quả. Nhưng trước thông tin, người biểu tình sẽ lại làm loạn nếu như ông H.Mubarak không xuất hiện trước tòa, nhà chức trách không có sự lựa chọn thứ hai. Án phạt cao nhất đối với cựu tổng thống này là điều được dự báo. Nhưng liệu chừng ấy đã thỏa mãn đòi hỏi của lực lượng biểu tình? Chắc chắn là chưa. Việc xét xử ông H.Mubarak chỉ là cách chính thức hạ bệ thể chế tồn tại trong gần 30 năm qua. Còn đến giờ, quốc gia này đã hình thành một tiền lệ nguy hiểm: Biểu tình để giải quyết vấn đề.
Các cuộc biểu tình lớn những ngày cuối tháng 7-2011 tại thủ đô Cairo là một ví dụ. Hàng trăm nghìn người, trong suốt 3 ngày 29, 30, 31-7, đã tụ tập tại Quảng trường Tahir, đòi giới hữu trách gia tăng tiến độ cải cách và thực thi công lý. Người biểu tình nêu đòi hỏi bảo vệ cái mà họ kêu gọi sự đồng nhất Hồi giáo của Ai Cập và yêu cầu bầu cử Quốc hội diễn ra đúng với dự kiến. Một số người còn giương biểu ngữ ủng hộ thiết lập một nhà nước Hồi giáo…
Nắm quyền điều hành đất nước (khi chế độ của cựu Tổng thống H.Mubarak sụp đổ), CSFA đã thực hiện một số giải pháp như: đẩy nhanh cải cách chính trị và kinh tế… đáp ứng đòi hỏi của người biểu tình. Mới đây, ngày 28-7, Trưởng công tố nhà nước Ai Cập đã ra lệnh điều tra đơn kiện tham nhũng của các cựu quan chức dưới thời Tổng thống H.Mubarak, trong đó có cựu Phó Tổng thống Omar Suleiman. Trước đó, Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf đã nỗ lực cải tổ theo yêu cầu của người biểu tình bằng cách thay thế hơn một nửa số bộ trưởng trong nội các. Chính phủ mới của Ai Cập vừa tuyên thệ nhậm chức (ngày 21-7) đã cam kết thực hiện các ưu tiên đối nội trong thời gian tới và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào ngày 30-9 tới. Nhưng chừng ấy xem ra vẫn chưa đủ.
Có dư luận từ Cairo rằng, nền dân chủ xứ Kim Tự tháp đang bị lạm dụng, thậm chí còn bị ngờ là có bàn tay từ nước ngoài và của Al-Qaeda nhúng vào vì các lợi ích riêng rẽ. Trong bối cảnh như vậy, quốc gia Đông Phi này chưa thể có được sự ổn định bền vững; những giờ bình yên hiếm hoi trước phiên xét xử ông H.Mubarak được xem chỉ là khoảng lặng trước cơn bão mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.