Trong một động thái nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng ngày càng gia tăng, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly vừa vạch ra những ưu tiên cho chương trình nghị sự của chính phủ mới.
Chương trình nghị sự nhấn mạnh vào việc thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện an ninh năng lượng và thúc đẩy sự tham gia giám sát của người dân.
Tập trung vào việc giải quyết ngay lập tức những thách thức hiện nay, chương trình nghị sự của Chính phủ Ai Cập nêu bật cam kết đối với tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường tính minh bạch thông qua sự tham gia của công chúng.
Những điểm mới trong chính sách kinh tế đang được kỳ vọng mang lại sự thay đổi cho quốc gia Bắc Phi này, bao gồm kế hoạch tăng cường phối hợp với Ủy ban Đối thoại quốc gia để đơn giản hóa quy trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc tái thành lập Bộ Đầu tư báo hiệu mong muốn tối đa hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cairo trong thời gian tới.
Để giải quyết tình trạng mất điện, Chính phủ Ai Cập đã phân bổ gần 1,2 tỷ USD cho các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng. Thủ tướng Mostafa Madbouly đảm bảo sẽ nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu và năng lượng.
Bên cạnh đó, các nhóm bộ trưởng chuyên trách sẽ được thành lập để đảm nhiệm lĩnh vực du lịch, kinh tế, năng lượng và khởi nghiệp. Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc họp hằng tuần để lắng nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp với người dân. Lịch họp hằng tháng với giới trí thức và truyền thông cũng đã được công bố, thể hiện thiện chí của chính phủ sẵn sàng tiếp thu những đóng góp trong các vấn đề lợi ích công.
Chương trình nghị sự được đưa ra một tuần sau khi chính phủ nhiệm kỳ mới gồm 30 thành viên, do Thủ tướng Moustafa Madbouly đứng đầu tuyên thệ nhậm chức trong bối cảnh đất nước phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Theo số liệu của Trading Economics ngày 11-7, tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này đã giảm xuống 27,5% trong tháng 6 từ mức 28,1%, song vẫn cao hơn đáng kể so với giới hạn 5-9% mà Ngân hàng trung ương Ai Cập đưa ra.
Đáng chú ý, các mặt hàng giảm giá chủ yếu là thuốc lá, đồ uống có cồn, thiết bị gia dụng, dịch vụ nhà hàng và khách sạn. Trong khi đó, chi phí thực phẩm, quần áo, giày dép vẫn tăng cao. Tiện ích nhà ở không đổi ở mức 9,9%.
Ai Cập được xếp là quốc gia châu Phi đứng đầu danh sách nợ tín dụng cao nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lên tới 10,2 tỷ USD tính đến ngày 2-7-2024. Nợ nước ngoài đang ở mức khoảng 160,6 tỷ USD.
Số tiền vay khổng lồ trong thập kỷ qua phần lớn được sử dụng để tài trợ cho các dự án lớn như Thủ đô hành chính mới và tuyến đường ray mới đầy tham vọng.
Mặc dù được ca ngợi là những dự án mạo hiểm có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này, nhưng những sáng kiến cơ sở hạ tầng đó đã không thu hút được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, thâm hụt tài khoản vãng lai trong 9 tháng đầu năm tài chính 2023-2024 tăng 225%, đồng bảng Ai Cập đã mất giá 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ ngoại tệ nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp trong thời gian qua, song khả năng phục hồi kinh tế của Ai Cập đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở Dải Gaza và Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tuyến thương mại hàng hải quốc tế đi qua eo biển Bab-el-Mandeb đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo IMF, lượng tàu chở hàng toàn cầu đi qua kênh đào Suez của Ai Cập đã giảm 30% và các công ty vận tải lớn như Maersk đã đình chỉ các tuyến đường qua kênh đào này vô thời hạn. Việc chuyển hướng giao thông từ kênh đào Suez sang các tuyến hàng hải khác làm ảnh hưởng đến một trong những nguồn thu nhập bằng USD lớn nhất của Ai Cập.
Trong khi đó, Ai Cập phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng liên quan đến đập Grand Ethiopian Renaissance do Ethiopia xây dựng. Sau khi các cuộc đàm phán đi vào “ngõ cụt” kể từ tháng 12 vừa qua, quan hệ hai nước có dấu hiệu xuống dốc nghiêm trọng.
Theo số liệu chính thức của các tổ chức quốc tế, 30% trong số 109 triệu dân Ai Cập đang sống trong cảnh nghèo đói. Tình trạng cắt điện thường xuyên và giá cả tăng vọt, trợ cấp nhà nước sụt giảm càng làm tăng thêm chỉ trích của dư luận trong nước đối với biện pháp điều hành của chính phủ.
IMF dự kiến sẽ thực hiện đánh giá tổng thể lần thứ 3 về chương trình cho Ai Cập vay vào ngày 29-7 tới. Sau khi hoàn thành đợt xem xét này, Cairo dự kiến sẽ nhận được khoảng 820 triệu USD tiền vay dưới dạng trả góp.
Cùng với những chính sách đổi mới của tân chính phủ, các nhà lãnh đạo Ai Cập kỳ vọng, vùng đất của các Pharaon sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn kéo dài suốt 3 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.