Tòa án là nơi phân xử và phán quyết, nơi công lý được thực thi. Nói cách khác, tòa án chính là nơi bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp. Tuy nhiên, thật kỳ lạ...
Cuối tháng 12-2009, phiên xử vụ nữ sinh Vũ Thị Kim Anh giết người trên xe Lexus tại TAND thành phố Hà Nội đã rất nhiều lần bị gián đoạn do gia đình nạn nhân... chửi rủa bị cáo, la ó phản đối luật sư bào chữa. Khi phiên xử tạm kết thúc, người nhà bị cáo ra về với sự bảo vệ của cảnh sát do bị người nhà nạn nhân lao vào định hành hung. Còn đe dọa, những lời lẽ vô văn hóa khác, tất nhiên là... vô số.
Tại một phiên tòa diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, một nữ đương sự không hài lòng với bản án đã thoát y... ngay giữa sân tòa để phản đối. Lực lượng chức năng không làm sao thuyết phục được bà này "ăn mặc cho dễ coi", đành trùm một tấm áo mưa và đưa về phường.
Trong vụ xử bị cáo Trần Tấn Duẫn phạm tội cố ý gây thương tích tại TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), việc xét xử cũng rất lộn xộn. Ban đầu, nạn nhân đang trình bày thì bất ngờ bị một nhân chứng đi từ dưới lên chích điếu thuốc lá cháy đỏ vào tay do cho rằng nạn nhân giả vờ bị liệt nên "kiểm tra". Lập tức, người nhà của nạn nhân lao lên. Phiên xử hỗn loạn. Khi nói lời sau cùng, bị cáo bất ngờ nhào lên định đập đầu vào vành móng ngựa, rất may hai cảnh sát tư pháp đứng bên cạnh giữ lại kịp.
Trong phiên xử Nguyễn Bảo Tuấn về tội cướp giật tài sản tại thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo này la hét, vùng vẫy dữ dội (trước đó, lúc ở trại tạm giam, bị cáo đã không chịu mặc quần áo, dùng mảnh chai cứa cổ tóe máu, chửi bới, cắn cảnh sát tư pháp). Tòa án, được cái cũng nhanh trí, cách ly và bố trí loa để tên này nghe tòa xử.
Còn tại một phiên xử dân sự tại Đăk Nông, bị đơn đã cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xông vào đánh nguyên đơn, vây hãm chủ tọa. Lực lượng cảnh sát tư pháp ngăn chặn kịp thời nhưng khi hội đồng xét xử trở vào phòng xử thì hàng chục người lại xông lên tấn công, không cho tuyên án khiến chủ tọa phải bỏ chạy.
Tòa nhiều lần trở thành nơi làm loạn, bất luận có cảnh sát tư pháp bảo vệ hay không. Rất nhiều vụ đánh lộn (nguyên đơn, bị đơn và người thân), đánh chủ tọa, "phang" thẩm phán, mạt sát hội thẩm nhân dân, tát thư ký tòa... Trên đây chỉ là mấy ví dụ.
Là nơi bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp, nơi công lý được thực thi nhưng "ai" bảo vệ... tòa đây?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.