(HNM) - Hôm rồi, trong cái ồn ào chuẩn bị đón năm mới, có một sự kiện văn nghệ khá lặng lẽ giữa lòng Thủ đô nhưng lại tạo nên nhiều dư vị đặc biệt. Một buổi ra mắt CD quan họ cổ của các liền anh, liền chị thuộc thế hệ đầu tiên gây dựng nên Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh từ năm 1969 (nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh).
Trong không gian chật hẹp của NXB Âm nhạc, ngay sát bên phòng thu nhuốm màu thời gian, không chỉ có nỗi niềm quan họ cổ cất lên mà còn le lói cuộc chuyển giao giữa lớp xưa với người nay.
CD này giới thiệu 10 bài quan họ cổ, mà theo các chuyên gia có mặt trong buổi ra mắt ấy thì "không còn nhiều người hát nữa". Đó là "La rằng - Tứ hải giao tình", "Duyên phận phải chiều", "Phùng quan xuân hội"… Điều đáng nói, đây là đĩa CD đầu tiên và duy nhất của nhóm nghệ nhân hát quan họ lừng lẫy một thời gồm Lệ Ngải, Minh Phức, Tự Lẫm. Trong đó nghệ sĩ Tự Lẫm không xa lạ gì với giới văn nghệ sĩ và công chúng khi ông vào vai liền anh trong phim truyện điện ảnh kinh điển của Việt Nam "Đến hẹn lại lên". Nhưng ngoài 3 nghệ sĩ lão làng trên, CD này còn có sự tham gia của một liền anh thế hệ cháu con của họ là anh Ba bé Đình Vũ. Một người trẻ hiện đang làm việc trong một đại sứ quán ở Việt Nam nhưng suốt một thời gian dài ngày ngày lặn lội xe đò để tìm về Bắc Ninh với các thầy cô Tự Lẫm, Lệ Ngải, Minh Phức để học hát quan họ, trong đó có những làn điệu cổ khó học, dễ nản…
Buổi ra mắt CD, thầy khóc nỗi thầy vì cả đời đi hát nay lần đầu mới ra được đĩa, còn trò khóc nỗi trò vì coi "thầy cũng như cha mẹ".
Đáng nói nữa, những người trực tiếp góp sức cho sự ra đời của CD chắt chiu mong đợi này cũng là hai người trẻ thế hệ 8X và 7X, một nhà báo và một nhạc sĩ. Cái tên "La rằng" mang nỗi vấn vương của quan họ cổ của CD này cũng là do hai bạn trẻ lựa chọn, quyết định. Phải nói, câu hát mà các nghệ sĩ xưa đã lội ruộng, ra đồng cùng bà con để học, để ghi lại bằng trí nhớ, và trải qua những ngặt nghèo của đời sống vẫn lưu giữ lại trong ký ức cho đến hôm nay, đã được cất lên là nhờ một phần ở những người trẻ tuổi này.
"Cứu một câu hát không dễ, như vớt một cánh bèo mỏng manh" - hôm ấy, nhà văn Đỗ Chu nói thế. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương thì rằng, "cái mới chỉ có được khi ta đi hết vốn cũ mà thôi".
Ai bảo rằng người trẻ quay lưng với vốn cổ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.