(HNM) - Sáng 19-2 (tức mùng 6 tết Canh Dần), vợ chồng anh Phương ở khu tập thể Vĩnh Hồ (Đống Đa) đưa hai cậu con trai đi du xuân. Lên taxi rồi mà anh chị vẫn chưa biết đi đâu, bởi Công viên Thống Nhất, Vườn bách thú Thủ Lệ thì hai cháu đã đi quá nhiều lần.
Được bác tài xế mách nước, ở Bảo tàng Dân tộc học đang diễn ra các trò chơi dân gian vui Xuân Canh Dần, anh Phương quyết định đưa cả nhà đến đó. Chị Thảo, vợ anh Phương lưỡng lự:
- Anh à, ở đấy chỉ có trò chơi dân gian như: làm pháo đất, đi cà kheo, đánh đu, ném còn... mấy thứ đó bọn trẻ con không hợp. Thường ngày, chúng nó chỉ thích lái ô tô điện và chơi game thôi.
Anh Phương bảo:
- Cũng phải để các con thử chứ?
Xe vừa tới cổng Bảo tàng, hai đứa con của anh chị sà ngay vào các trò chơi. Cả hai đứa say mê như chưa bao giờ được chơi. Có lẽ, đây là lần đầu tiên chúng biết thế nào là pháo đất, đu quay, ném còn, chơi ô ăn quan... Cậu con trai cả hứng chí nhảy lên đi cà kheo, loạng choạng một hai bước lại ngã, dù hơi đau, nhưng vẫn hớn hở đứng dậy đi tiếp. Thấy người lớn diễn trò múa sạp của dân tộc Thái, cậu em cũng lao vào bước thấp bước cao, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, song vẫn ra sức nhảy. Ba bốn giờ đồng hồ với hàng loạt các trò chơi dân gian, hai cậu con trai bắt đầu đói, anh Phương dẫn con sang khu ẩm thực truyền thống. Được thưởng thức món lợn quay lá móc mật, lạp sườn hun khói bếp, hai đứa ăn nấy ăn để. Nhìn hai con, anh chị Phương vô cùng mãn nguyện. Lên xe rồi, hai đứa vẫn ra điều kiện đòi hôm nào bố mẹ phải cho đi tiếp.
Anh Phương chợt nghĩ, ai đó đã có lúc cho rằng các trò chơi dân gian đang bị mai một, lỗi thời, nhưng những gì anh chứng kiến tại Bảo tàng Dân tộc học ngày hôm đó, chứng tỏ các trò chơi dân gian vẫn có một sức hút kỳ lạ, chẳng qua mọi người, nhất là giới trẻ không có điều kiện để tiếp cận. Mong sao Bảo tàng Dân tộc học sẽ có nhiều chương trình như thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.