Hơn 1 tháng sau sự kiện Chính phủ In-đô-nê-xi-a và phiến quân ly khai Phong trào A-chê tự do (GAM) ký Hiệp định hòa bình tại Phần Lan, kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 3 thập kỷ qua, đã có nhiều dấu hiệu lạc quan về một tương lai hòa bình, phát triển cho miền đất này.
Lực lượng quân đội Indonexia lên tàu rời khỏi A-chê
Là một tỉnh nằm ở phía Bắc đảo Xu-ma-tơ-ra, cách Gia-các-ta 1.750 km, A-chê là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản nhưng cuộc sống của 4,2 triệu dân nơi đây vẫn rất nghèo khổ. Chính vì vậy mà từ năm 1976 đến nay, nhiều người dân A-chê đã ủng hộ GAM đấu tranh đòi thành lập một nhà nước riêng. Từ đó, vấn đề A-chê trở nên phức tạp và dai dẳng. Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã tiến hành nhiều cuộc hòa đàm và chiến dịch quân sự, song vẫn không giải quyết dứt điểm được vấn đề. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người. Hai thỏa thuận ngừng bắn ở A-chê đã được ký kết nhưng không thỏa thuận nào đứng vững lâu dài. Đây cũng là nơi chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của sóng thần hồi cuối năm ngoái làm 131.000 người thiệt mạng. Vì thế, sự kiện ngày 15-8 có ý nghĩa vô cùng đặc biệt không chỉ đối với đất nước In-đô-nê-xi-a, đặc biệt với tỉnh A-chê thậm chí với cả khu vực khi Hiệp định Hòa bình A-chê chính thức được ký kết.
Chỉ 1 tuần sau đó, ngày 22-8, 1.300 binh sĩ In-đô-nê-xi-a đã rút khỏi A-chê trước khi GAM giải giáp vũ khí. Ngày 20-9, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã rút tiếp 2.600 quân khỏi A-chê và dự kiến đến ngày 25-9 tới, 6.000 binh sĩ In-đô-nê-xi-a cũng sẽ rời A-chê trong khuôn khổ giai đoạn đầu của Hiệp định hòa bình. Gia-các-ta cam kết đến cuối năm nay sẽ rút các lực lượng an ninh không phải người địa phương, ân xá cho các tay súng ly khai và cho phép thành lập các đảng chính trị ở A-chê. Trước đó, ngày 30-8, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-băng Y-u-đô-y-ô-nô đã ký sắc lệnh ân xá và các quyền miễn trừ cho phiến quân GAM, mở đường cho việc phóng thích 1.424 phiến quân GAM vào ngày 31-8. Họ sẽ được cấp đất để làm ăn, sinh sống và tạo điều kiện sớm hội nhập vào cộng đồng. Tổng thống In-đô-nê-xi-a còn thuyết phục hạ viện nước này từ chỗ bất đồng về việc thương lượng với GAM sang ủng hộ Hiệp định hòa bình. Qua hành động này, chính quyền Gia-các-ta đã tạo được niềm tin, đặt nền móng vững chắc cho việc thực hiện Hiệp định.
Về phía mình, GAM cũng chứng tỏ sự nỗ lực. Ngày 15-9 vừa qua, các thành viên GAM đã giải giáp 78 khẩu súng tại buổi lễ đầu tiên trong một loạt các buổi lễ giao nộp vũ khí dự kiến sẽ được tổ chức cho đến cuối năm nay. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu công việc của Phái bộ Giám sát A-chê (AMM) gồm 240 quan sát viên đến từ Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN được triển khai để giám sát việc thực thi Hiệp định.
Việc Chính phủ và các phiến quân A-chê nỗ lực thực hiện nghiêm túc các điều khoản của Hiệp định đã làm dấy lên nhiều triển vọng lạc quan về tương lai của A-chê. Tuy nhiên, Hiệp định hòa bình A-chê còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đây cũng là điều dễ hiểu vì theo nhiều nhà phân tích, sau 3 thập kỷ tồn tại và phát triển của GAM, việc ký thỏa thuận hòa bình không thể nhanh chóng thay đổi tình hình trong một sớm một chiều. Tổng thống In-đô-nê-xi-a cũng cho rằng, các vấn đề liên quan đến A-chê vẫn chưa thể giải quyết được ngay, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Còn theo Tổng tư lệnh quân đội In-đô-nê-xi-a, tướng En-đri-a-tô-nô, GAM hiện chia rẽ thành nhiều phe phái và có một vài nhóm trong lực lượng này phản đối Hiệp định hòa bình giữa Chính phủ và GAM, đồng thời từ chối hạ vũ khí.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.