Theo dõi Báo Hànộimới trên

9 cụm từ không nên nói khi đàm phán lương

Hà Phương| 10/10/2022 13:57

Trong buổi phỏng vấn, đàm phán lương là vấn đề mà có lẽ ứng viên nào cũng quan tâm. Nhà tuyển dụng đề cập đến tiền lương đồng nghĩa với việc bạn đã bước gần hơn đến vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, với nhiều ứng viên, đàm phán lương là một việc làm rất khó khăn, dễ khiến họ bối rối. Lúc này, nếu không khéo léo và tinh tế, bạn sẽ mất đi cơ hội chứng tỏ giá trị bản thân và giành quyền lợi về mình.

Dưới đây là những điều bạn nên tránh khi đàm phán lương khi tìm việc làm Hải Phòng mới nhất hay bất kỳ nơi nào khác. 

“Tôi đồng ý với mức lương đầu tiên mà nhà tuyển dụng đưa ra”

Đừng vội vàng đồng ý mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra. Trên thực tế, có nhiều ứng viên có tâm lý ngại thương lượng về vấn đề tiền bạc hoặc thiếu tự tin vào bản thân mà dễ dàng chấp nhận đề nghị của nhà tuyển dụng. Bạn nên tránh sai lầm này vì nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn là một người thiếu kỹ năng đàm phán hoặc thậm chí thiếu am hiểu về vị trí ứng tuyển hay cho rằng bạn là người thụ động không biết “chiến đấu” vì lợi ích của mình.

Bạn hoàn toàn có thể đạt được mức lương cao hơn nếu đàm phán khéo léo. Do đó, hãy mạnh dạn đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng để bảo vệ quyền lợi của mình, đừng kết thúc cơ hội của mình trước khi nó bắt đầu.

“Mức lương tôi mong muốn là…”

Hãy tránh đề cập đến mức lương hay chia sẻ con số chính xác trước khi nhà tuyển dụng đưa ra con số đề nghị cho vị trí đó. Hãy để họ đưa ra mức lương đề nghị trước, sau đó bạn dựa vào tìm hiểu trước đó của mình về vị trí và ngân sách của công ty để nâng dần đến con số mong muốn.

Chẳng hạn, thay vì trực tiếp nói ra con số cụ thể, bạn có thể khéo léo dẫn dắt như sau: “Theo như em tìm hiểu về thị trường/vị trí này, em thấy mức lương tối thiểu của [tên vị trí/công việc] hiện nay là khoảng…”.

“Đó là ngân sách tối đa mà anh/chị dành cho vị trí này?”

Khi nhà tuyển dụng đưa ra con số không đúng ngưỡng bạn mong muốn hoặc quá thấp so với kỳ vọng, đừng thể hiện thái độ khó chịu hay phản ứng thái quá. Không khó để có thể thấy câu hỏi “Đó là ngân sách tối đa mà anh/chị dành cho vị trí này?” rất dễ gây phản cảm và tạo cảm xúc tiêu cực cho những người nghe. Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, câu nói này hoặc những điều tương tự sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho bạn trong cuộc đàm phán.

Nói “Không” với thái độ cự tuyệt, tiêu cực

Cũng giống như câu nói trên, “Không” là lời từ chối rõ ràng và phản cảm trong tất cả các cuộc đàm phán. Những câu trả lời cự tuyệt kiên quyết như “Tôi không nghĩ rằng…/Tôi không đồng ý mức lương đó/Tôi không chấp nhận…” là cách nhanh nhất để kết thúc một cuộc đàm phán. Thay vào đó hãy linh hoạt đưa ra những phương án khả thi hơn để có cơ hội đạt được thỏa thuận.

“Tôi xứng đáng nhận được một mức lương cao hơn”

Trong buổi phỏng vấn, thể hiện được giá trị bản thân là điều tốt. Tuy nhiên, câu nói này là một kiểu khẳng định giá trị bản thân một cách quá tự tin và ngạo mạn. Ứng viên thông minh sẽ không làm điều này. Sẽ chẳng nhà tuyển dụng nào thích ứng viên kiêu căng như vậy. Việc của bạn nên làm là cố gắng thể hiện bản thân tốt nhất có thể một cách tinh tế và giá trị của bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá.

“Tôi đang có một/nhiều lời mời khác tốt hơn ở đây”

Rất nhiều ứng viên đã mắc sai lầm này vì nghĩ rằng điều này sẽ tạo được áp lực cho nhà tuyển dụng. Việc thể hiện bản thân mình giỏi, được săn đón với nhiều lời đề nghị làm việc hấp dẫn hơn sẽ không giúp bạn chứng minh được bản thân mà ngược lại có thể khiến nhà tuyển dụng khó chịu vì cảm thấy không được tôn trọng. Ngay cả khi việc này là sự thật chứ không phải là bạn “chém gió” thì đây cũng là một cách thuyết phục rất “trẻ con” và kém hiệu quả.

“Mức lương cuối cùng mà tôi chấp nhận là…”

Hãy thử đặt bản thân vào vị trí tuyển dụng trước khi bạn định nói ra câu này. Có phải rất phản cảm không? Câu nói nghe chừng như một lời thách thức thường dùng để kết thúc cuộc đàm phán. Đúng vậy, nếu bạn đưa ra con số cuối cùng và nhà tuyển dụng không đồng ý, cuộc đàm phán sẽ chấm dứt.

“Tôi cần mức lương X để…”

Bạn không nên nói rằng bạn cần mức lương X để chi trả các chi phí, hóa đơn... hay để làm gì đó. Kể cả trên thực tế bạn có hoàn cảnh khó khăn và cần có mức lương X để trang trải thì cũng không nên đề cập để kêu gọi lòng thương của nhà tuyển dụng. Đó là những vấn đề cá nhân không có giá trị thuyết phục.

Việc kêu gọi lòng thương có thể gây phản ứng ngược, khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn là người quá thực dụng, không có lý tưởng nghề nghiệp và có thể không trân trọng cơ hội phát triển bản thân. Thực tế, chỉ có năng lực, kinh nghiệm và sự phù hợp với vị trí ứng tuyển của bạn mới có thể thuyết phục nhà tuyển dụng.

“Mức lương mà anh/chị đưa ra quá thấp/tệ”

Nhà tuyển dụng có thể đã đưa ra một mức lương quá thấp, bạn có thể thẳng thắn nhưng cần phải khéo léo. Việc tỏ ra khó chịu với cách nói này sẽ khiến bạn bị đánh giá là thiếu tôn trọng người khác. Và nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ muốn nhận một người như thế.

Đàm phán lương là một nghệ thuật giao tiếp để đạt được thỏa thuận mong muốn và đem về giá trị có lợi cho bản thân. Hy vọng những điều không nên làm khi thương lượng lương trên đây sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị chu đáo và mang về cho mình lợi thế tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
9 cụm từ không nên nói khi đàm phán lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.