Theo dõi Báo Hànộimới trên

81 trang nội dung mạng xã hội của Công an thành phố Hồ Chí Minh phát huy tác dụng tốt

Thanh Tàu| 16/05/2022 10:32

(HNMO) - Nhằm ứng dụng công nghệ để phục vụ công tác, thời gian qua, Công an thành phố Hồ Chí Minh chủ động chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và đưa vào sử dụng các trang nội dung mạng xã hội trên các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, dễ dàng tương tác với người dân.

Trang Facebook mang tên Tuổi trẻ Công an thành phố là kênh tương tác hiệu quả giữa lực lượng Công an và người dân.

Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 1-2021 đến nay, Công an thành phố đã đưa vào sử dụng 29 trang nội dung mạng xã hội của các đơn vị nghiệp vụ cấp phòng, Công an quận, huyện và 52 trang nội dung mạng xã hội của Công an phường, xã.

Các trang nội dung mạng xã hội đã đăng tải 3.586 tin, bài viết, 215 video, 5.184 hình ảnh, qua đó đã thu hút được 4.391.031 lượt xem, 161.989 lượt theo dõi và 284.762 lượt tương tác; đồng thời, đã có 53.834 lượt tra cứu thông tin phương tiện vi phạm qua hình ảnh và 6.967 lượt truy cập dịch vụ công trực tuyến như nộp phạt, đăng ký xe trực tuyến trên các trang mạng xã hội; tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời 267.726 lượt câu hỏi, ý kiến về các thủ tục hành chính và 3.079 tin báo của người dân liên quan an ninh trật tự …

Đơn cử, mô hình Zalo An ninh của Công an quận Tân Phú đã thiết lập 18 trang nội dung gồm: 1 trang Zalo “Công an quận Tân Phú”, 11 trang Zalo của Công an 11 phường và 6 trang Zalo các đội nghiệp vụ. Đến nay, các trang này đã thu hút hơn 157.200 lượt quan tâm, theo dõi của người dân và xuất bản gần 600 bài viết với hơn 4 triệu lượt xem và chia sẻ; hoạt động như một kênh tương tác và phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

Thượng tá Lại Phước Xuân, Trưởng Công an quận Tân Phú, cho biết, trên địa bàn có tới 500.000 dân cư trú. Trong số này, nhân khẩu tạm trú chiếm hơn 47%. Việc người dân cùng Công an sử dụng mạng xã hội để tương tác khiến công tác quản lý địa bàn trở nên thuận tiện hơn.

 Công an xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè hướng dẫn người dân tương tác qua mạng xã hội và tham gia quản lý địa bàn qua hệ thống camera an ninh.

Còn tại huyện Nhà Bè, Công an xã Hiệp Phước đã lập nhiều hội nhóm Zalo, Facebook… tạo sự thuận tiện hơn cho người dân, từ đó thực hiện tốt công tác quản lý cư trú. Anh Trần Nguyễn Quốc Nam, chủ nhà trọ tại xã Hiệp Phước, cho biết: “Lúc trước, khi có người tới ở trọ, tôi phải ghi giấy rồi đến trụ sở Công an xã để khai báo mỗi tháng. Nay, được Công an hướng dẫn qua Zalo, tôi chỉ cần ngồi nhà, khai báo qua mạng dịch vụ công trực tuyến là xong”.

Thiếu tá Phan Quốc Hưng, Trưởng Công an xã Hiệp Phước, khẳng định, việc người dân thực hiện thông qua môi trường mạng đã giúp công tác thống kê, báo cáo, quản lý di biến động dân cư, thông tin về tiền án, tiền sự, nhân thân, lai lịch... được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá, kết quả đạt được trong 1 năm vừa qua cho thấy các trang nội dung mạng xã hội của Công an thành phố đã trở thành một kênh thông tin quen thuộc của người dân thành phố, góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Thời gian tới, Công an thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung các tính năng, tiện ích mới; đa dạng hóa các hình thức, nội dung đăng tải; phát triển thêm các trang nội dung mạng xã hội đến tất cả đơn vị Công an cấp cơ sở; không ngừng tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ người dân để các trang nội dung mạng xã hội hoạt động hiệu quả hơn, trở thành kênh thông tin đáng tin cậy của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
81 trang nội dung mạng xã hội của Công an thành phố Hồ Chí Minh phát huy tác dụng tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.