(HNMO) – 8 năm sau thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng, thành phố Fukushima, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là 1 triệu tấn nước bị nhiễm xạ vẫn chưa được xử lý.
Các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. |
Xử lý nước nhiễm xạ: Khó khăn và tốn kém
Lượng nước bị nhiễm xạ này đang được đựng trong khoảng 1.000 bể chứa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Để bảo đảm an toàn trước khi thải ra biển – giải pháp được cho là khả thi nhất vào thời điểm này là lượng nước khổng lồ này cần được làm sạch.
Năm ngoái, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết, hệ thống được thiết kế để làm sạch nước nhiễm xạ đã thất bại, do không thể tách phóng xạ nguy hiểm khỏi nước. Tepco hiện đã không còn chỗ chứa nước nhiễm xạ bởi những địa điểm được chọn để chứa nước nhiễm xạ cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về điều kiện địa chất, độ cao và môi trường.
Một giải pháp khác được tính tới là tiếp tục trữ nước nhiễm phóng xạ trong các bể chứa khổng lồ. Mỗi bể có thể đựng 100.000 tấn nước, vì vậy chỉ cần dùng 10 bể như vậy là có thể chứa hết 1 triệu tấn nước nhiễm xạ nói trên. Nếu được lưu trữ trong thời gian dài hàng trăm năm, lượng phóng xạ trong nước sẽ giảm hàng nghìn lần so với trước khi đưa vào bể chứa. Tuy nhiên, giải pháp này đối mặt với việc rò rỉ phóng xạ bởi nếu trong trường hợp một trận động đất mạnh khác xảy ra, các bể chứa có thể bị nứt vỡ, khiến nước nhiễm xạ chưa được xử lý chảy thẳng ra biển.
“Việc lưu trữ nước lâu dài có ưu điểm là lượng phóng xạ sẽ giảm xuống, nhưng lại có nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Rất khó để bảo đảm nước không bị rò rỉ khỏi các bể chứa, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cách thức xử lý để giải phóng lượng nước này”, ông Hiroshige Seko, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.
Dù xử lý theo cách nào thì việc tẩy rửa phóng xạ vẫn là một quá trình khó khăn và tốn kém. Việc tái chế lượng nước này được dự báo sẽ mất ít nhất 2 năm và dự án làm sạch các khu vực bị ảnh hưởng bởi phóng xạ có thể kéo dài tới 40 năm. Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản ước tính, tổng chi phí để tẩy rửa phóng xạ tại các khu vực bị ảnh hưởng và tiền đền bù cho người dân có thể lên tới 21,5 nghìn tỷ yen (khoảng 192 tỷ USD), tương đương 20% tổng ngân sách thường niên của cả nước.
Ám ảnh nỗi lo nước nhiễm xạ
Trước kia, khu vực duyên hải Fukushima từng là nơi được nhiều người lựa chọn để chơi lướt ván, nhưng hiện nay, những người yêu thích bộ môn này đã tránh xa Fukushima do lo ngại nước biển nhiễm phóng xạ.
“Việc xả nước từng nhiễm phóng xạ ra biển có thể khiến nhiều thế hệ tiếp theo không dám tới gần vùng biển này”, ông Yuichiro Kobayashi, một chủ cửa hàng lướt ván cho biết.
Nhiều người dân địa phương hy vọng Tepco tiếp tục giữ lại nguồn nước bị nhiễm xạ, thay vì xử lý và xả ra biển. Trên thực tế, giải pháp xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía ngư dân. Nhiều ngư dân cho rằng, việc xả nước nhiễm xạ, dù đã qua xử lý, ra biển sẽ khiến người tiêu dùng từ chối tiêu thụ cá từ khu vực Fukushima.
“Điều này sẽ phá vỡ mọi nỗ lực của chúng tôi suốt 8 năm qua trong việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng”, ông Tetsu Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội Ngư dân Fukushima nói.
Theo ông Nozaki, sản lượng đánh bắt cá trong năm 2018 chỉ bằng 15% so với mức trước thảm họa. Trong đó, một phần nguyên nhân là do niềm tin của người tiêu dùng đã sụt giảm. Mặc dù tất cả sản phẩm thủy sản của khu vực này đều đã được kiểm tra và sản phẩm được bày bán tại siêu thị phải có chứng nhận an toàn, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tiếp tục nói "không" với các loại thủy sản đánh bắt ở khu vực ngoài khơi Fukushima.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.