(HNM) - 1. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam tồn tại song trùng 2 nhà nước: Nhà nước bảo hộ Pháp (tự xưng là mẫu quốc của xứ An Nam) và Nhà nước phong kiến (do triều Nguyễn cai trị). Tuy nhiên, Nhà nước phong kiến cũng chỉ là chính quyền bù nhìn, còn thực chất Nhà nước bảo hộ Pháp mới đích thực là bộ máy áp đặt luật pháp của “nước mẹ đại Pháp”, biến An Nam thành thuộc địa của tư bản Pháp. Bất kỳ ai đứng lên chống Pháp đều bị dìm trong bể máu, kể cả những ông vua triều Nguyễn chống Pháp cũng bị lưu đày.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã cùng lúc đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đồng thời hạ bệ ngai vàng phong kiến tay sai mục nát. Kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam hiện đại được Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào trịnh trọng tuyên bố với thế giới về quyền tự do, độc lập thực sự của mình. Mặt trận Việt Minh - tiền thân của Nhà nước dân chủ ở Việt Nam đã vụt lớn như Phù Đổng, ra đời Chính phủ cách mạng lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu, có đầy đủ đại diện đảng phái, giai cấp, tôn giáo, tầng lớp xã hội. Phiên họp đầu tiên sau ngày độc lập, Chính phủ cách mạng đã bàn ngay các vấn đề quốc kế, dân sinh, đặt cuộc sống của người dân vào nhân lõi của sự tồn tại và hoạt động của Chính phủ cách mạng.
Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đánh dấu cột mốc lịch sử chưa từng có trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Sau Công xã Paris (1871) và Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), thì cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn đến sự kiện cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên (6-1-1946) ở Việt Nam được coi là cột mốc chói lọi trên tiến trình đấu tranh của nhân loại vì một nền dân chủ đích thực. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đã nghe theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hăng hái tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân cao nhất tại một đất nước từng chịu hơn 80 năm nô lệ.
Để có khung khổ pháp lý làm cơ sở cho tiến trình xây dựng nhà nước kiểu mới, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã gấp rút xây dựng Hiến pháp. Dù thời gian xây dựng rất ngắn, lại tiến hành trong bối cảnh đất nước lâm vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, kinh nghiệm lại hầu như chưa có, song Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (được Quốc hội khóa I thông qua ngày 9-11-1946) thực sự là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, khát vọng của một dân tộc tự lực, tự cường, dân chủ.
2. Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bởi vì, những giá trị nhân văn, nhân bản, đặt con người vào trung tâm cách mạng, đặt nhân dân vào vị thế chủ nhân chế độ mới, xác định các quyền cơ bản của công dân nhất thiết phải được pháp luật bảo vệ. Tổ quốc và nhân dân là tối thượng. Quyền dân chủ của con người được đặt vào vị trí trung tâm làm giá trị cốt lõi của chế độ chính trị. Đây là bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các bản Hiến pháp về sau (năm 1959; năm 1980; năm 1992 - sửa đổi bổ sung năm 2001; năm 2013) là các bước tiến mới của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều 4, Hiến pháp năm 1992 đã xác định cơ sở lịch sử và tính hợp hiến về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Để xứng đáng với vị thế, vai trò chính trị và sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng không tự coi mình “đứng trên luật pháp” hoặc “làm thay Nhà nước”, mà Đảng tự đặt mình trong khuôn khổ luật pháp, Đảng nêu gương, tiên phong trong thực thi pháp luật, tuyên truyền vận động người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị hội tụ các giá trị đạo đức, văn minh, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân thông qua đường lối, chủ trương đúng đắn, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt quyền con người vào các chuẩn mực tiến bộ. Mục tiêu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được Đảng xác định phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng xu thế phát triển của lịch sử nhân loại.
Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh là một yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng phải thực sự là những tế bào gốc để xây dựng một cơ thể Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thành công tại Việt Nam. Mỗi cấp chính quyền trong hệ thống chính trị phải thực sự là công bộc của dân, phụng sự dân, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân để chia sẻ, động viên, tháo gỡ, tạo điều kiện để người dân phát huy tối đa quyền dân chủ. Cuộc sống của người dân chính là tấm gương phản chiếu bản chất chế độ.
Một xã hội kỷ cương, thượng tôn pháp luật là một xã hội văn minh. Việc quyết tâm thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm cho thấy Đảng ta đang nêu gương để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa xứng tầm khát vọng dân tộc tự lực, tự cường, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
… 75 năm từ ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam được thông qua, tinh thần dân chủ, tiến bộ tiếp tục được kế thừa, phát triển. Kể từ năm 2013, ngày 9-11 hằng năm được quyết định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.