(HNMO) - Theo tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), có tới 70% sừng tê giác được buôn bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả.
Thông tin này cũng đã được đưa ra trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Môi trường và nguồn nước Nam Phi - bà Bomo Edna Molewa và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát nhằm bảo vệ đàn tê giác Nam Phi khỏi tình trạng bị săn bắn bừa bãi.
Theo kinh nghiệm của một số người có chuyên môn về thú y và động vật hoang dã, thì nguồn sừng tê giác hiện rất hiếm nên khó có thể tìm được hàng thật. Sừng tê giác giả được làm bằng sừng trâu, bò (thậm chí làm bằng nhựa) rất tinh vi, khó có thể nhận biết bằng mắt thường. Nếu không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của sừng tê giác thì rất dễ mua phải hàng giả với giá đắt...
Cũng theo ENV, Việt Nam là một quốc gia có nhiều người buôn bán sừng tê giác trái phép. Tới nay, có 20 người Việt bị bắt giữ, 11 người đang bị giam giữ, 4 người bị kết án 7-12 năm tù tại Nam Phi. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - ông Hà Công Tuấn cho biết, Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng sừng tê giác như tăng cường tuyên truyền, đề xuất Chính phủ quy định cấm nhập khẩu sừng tê giác, tăng cường điều tra, xử lý các vụ vi phạm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.