Ngày 29/8, từ nguồn tin báo của quần chúng, Trạm Kiểm lâm số 3, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại hai tiểu khu 474 và 475 có 7 cây gỗ hương cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn hạ.
Trong số các cây gỗ hương “xấu số” này có 1 cây đường kính gốc lên tới 1,2m, dài hơn 9m, khối lượng gỗ khoảng 7-8m3; 6 cây còn lại có đường kính gốc 40-70cm, khối lượng gỗ mỗi cây trên 1m3 gỗ. Phần lớn khối lượng gỗ của 6 cây hương nhỏ đã bị lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng; riêng cây hương đường kính gốc 1,2 m3 mới bị lâm tặc mới đốn hạ, lá còn tươi và chúng chưa kịp tẩu tán gỗ.
Một cây gỗ hương to ở Yok Đôn bị đốn không thương tiếc (Ảnh: Đ.D.H)
Những cây gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn bị khai thác trái phép nằm sát đường tuần tra, nhưng không hiểu bằng cách nào mà bọn lâm tặc vẫn đốn hạ đượcvà vận chuyển gỗ ra khỏi vườn, qua mặt hàng chục trạm kiểm lâm với hàng trăm kiểm lâm viên thường trực bảo vệ rừng.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2011, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt phản ánh “đại nạn” phá rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Bộ NN&PTNT đã kiểm tra làm rõ nguyên nhân và chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc chống lâm tặc để bảo vệ khu rừng cấm này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ nguyên nhân quan trọng nhất để xảy ra tình trạng mất rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn là do lực lượng bảo vệ thiếu trách nhiệm, mất đoàn kết nội bộ, có dấu hiệu tiếp tay với lâm tặc…
UBND huyện Buôn Đôn và Vườn quốc gia Yok Đôn cũng đã phối hợp tổ chức ra quân truy quét lâm tặc nhưng vẫn không ngăn được tình trạng phá rừng ở đây, gỗ quý trong khu rừng cấm này vẫn bị đốn hạ và tuồn ra khỏi rừng. Đến nay, việc kiểm điểm kỷ luật và thanh lọc bộ máy bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn chỉ thực hiện rất nửa vời, thiếu cương quyết nên không tạo được chuyển biến tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.