Theo dõi Báo Hànộimới trên

7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Hà Phong| 13/05/2015 05:42

(HNM) - Kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là nội dung chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 12-5.


Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 28-4-2015, đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo bộ luật. Bộ Tư pháp đã lọc 10 trong số các vấn đề nổi cộm để xin ý kiến UBTVQH là quyền đối với họ, tên và chữ đệm, hình thức sở hữu; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; lãi suất trong hợp đồng vay...

Qua thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa và nhiều ý kiến khác tán thành quy định hình thức sở hữu theo phương án 1 gồm ba hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung), trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ chín tới. Tuy nhiên, bộ luật cũng cần làm rõ nguyên tắc quyền, trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân đối với chủ thể trong quan hệ dân sự. Về lãi suất cho vay, dự thảo quy định: "Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cân nhắc ở mức trên 150% nhưng chưa tới 200%.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân và xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần. Ban soạn thảo dự án Luật Trưng cầu ý dân đề xuất, Quốc hội đưa ra những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội để nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định. Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Tuyên truyền xuyên tạc làm sai lệch nội dung, ý nghĩa của vấn đề trưng cầu ý dân; dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép làm trở ngại việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân của cử tri; giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân. Trong trường hợp này, UBTVQH hủy bỏ kết quả bỏ phiếu ở khu vực có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bỏ phiếu lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.