(HNMO) - Số liệu tổng rà soát cho thấy, đã có 10.482 cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động do không bảo đảm các quy định phòng cháy, chữa cháy.
Ngày 15-6, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Theo thông tin tại hội nghị, Nghị định 54/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-9-2019 nhưng chỉ triển khai thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn thì dịch Covid-19 bùng phát khiến các loại hình kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định phải tạm dừng hoạt động.
Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều cơ sở kinh doanh đã không thể hồi phục do tác động của đại dịch; mặt khác, thực trạng cháy nổ tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke sau mở cửa trở lại đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn về tinh thần, vật chất cũng như an toàn, an sinh xã hội.
Kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định cấp phép, kiểm tra theo dõi, báo cáo việc thực hiện những quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cũng như tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, tuyệt đối không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH được phép hoạt động.
Số liệu tổng rà soát về an toàn PCCC và CNCH trên cả nước cho thấy, đã có 10.482/15.161 (chiếm 69%) cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động, chủ yếu do các vi phạm: Lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định, không bảo đảm cho hoạt động PCCC; lắp đặt, sử dụng vật liệu dễ cháy; thiếu lối thoát nạn hoặc lối thoát nạn không bảo đảm quy định; không trang bị hoặc trang bị không đủ hệ thống, phương tiện PCCC; lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện không bảo đảm an toàn… theo Thông tư số 147/TT-BCA ngày 31-12-2020 của Bộ Công an. Điều này cũng dẫn đến phát sinh nhiều kiến nghị mới đối với việc triển khai, thực hiện công tác PCCC trong tình hình thực tế.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan và nhiều tỉnh, thành phố đã tham góp ý kiến về thực tế triển khai, thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nêu lên những khó khăn, bất cập cũng như kiến nghị sáng kiến, giải pháp khắc phục.
Tiêu biểu như: Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành khó thực hiện đối với các công trình hiện hữu, đặc biệt là các công trình có thay đổi, cải tạo; quy định về khoảng cách địa điểm kinh doanh với trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định còn gây lúng túng trong quy trình cấp giấy phép. Ngoài ra, việc phân cấp, ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Nghị định còn chưa rõ ràng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và lĩnh vực có liên quan được ban hành qua các thời kỳ không có sự thống nhất; đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên ngành, cán bộ văn hóa cơ sở còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều phần việc dẫn đến việc xử lý còn chưa kịp thời, chưa quyết liệt…
Từng bước gỡ khó, tiến tới triển khai, thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày càng hiệu quả, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, ngành Văn hóa cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke, vũ trường; tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo thẩm quyền; chỉ đạo sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở văn hóa và thể thao kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke, vũ trường.
Cùng với đó, ngành Văn hóa đề nghị Bộ Công an rà soát các quy định tại Thông tư số 147/2020/TT-BCA về biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD đảm bảo phù hợp với tình hình mới; UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc xây dựng quy hoạch về vị trí cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, PCCC của địa phương, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke chuyển đổi mục đích kinh doanh do không thể khắc phục được theo quy định của pháp luật về PCCC.
Cùng ngày, hội nghị cũng triển khai đánh giá công tác thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 19-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; đề xuất các giải pháp công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng bài bản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.