(HNM) - Ngày 27-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của ngành Thanh tra.
6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 9.873 tỷ đồng, 32.627ha đất; đã kiến nghị thu hồi hơn 7.875 tỷ đồng và 357ha đất. So với cùng kỳ năm 2017, tuy phát hiện vi phạm về tiền giảm 65% nhưng tăng hơn 554% về đất.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Thanh tra Chính phủ tiến hành 46 cuộc thanh tra; ban hành kết luận 14 cuộc, phát hiện vi phạm với số tiền 2.457 tỷ đồng, 23.738ha đất; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 1.704 tỷ đồng, 114ha đất. Thanh tra Chính phủ cũng đã đôn đốc thực hiện 12 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi, xử lý về kinh tế 1.902 tỷ đồng, xử lý hành chính 39 tổ chức, 161 cá nhân, kiến nghị khởi tố 2 vụ, 7 đối tượng. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xây dựng pháp luật, phòng, chống tham nhũng cũng được quan tâm thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình ghi nhận nỗ lực và biểu dương kết quả công tác của ngành Thanh tra có những chuyển biến tích cực. Điển hình là đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu thực hiện các giải pháp về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; triển khai tốt chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, thiếu sót và yêu cầu toàn ngành có giải pháp khắc phục.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung cao cho xây dựng thể chế nên Thanh tra Chính phủ cần nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, nhất là hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua. Ngành Thanh tra chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong chỉ đạo, điều hành triển khai công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng...
Bên cạnh đó, ngành cần thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, thực thi pháp luật. Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra năm 2019; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.