Theo dõi Báo Hànộimới trên

6 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2014): Sự nỗ lực không ngừng

Võ Lâm| 02/08/2014 06:17

(HNM) - Thêm một năm nữa trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện và hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Từ đó đến nay, thêm một năm nữa trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện và hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Tháng 8-2008, thời điểm Hà Nội chính thức hợp nhất với Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng chính là lúc cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lan rộng. Nhưng, kết thúc năm 2013, Hà Nội vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,25%, cao hơn năm 2012 (8,06%) và bằng 1,53 lần mức tăng chung của cả nước. Ba tháng đầu năm 2014, mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội rớt xuống thấp nhất trong 5 năm, chỉ đạt 6,6%. Tưởng chừng như kinh tế Thủ đô sẽ bước vào giai đoạn khó khăn, nhưng kết quả 3 tháng tiếp theo đã thể hiện sức vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai cả nước với mức tăng trưởng 8,1%. Hà Nội đã quyết tâm đạt tăng trưởng 9,0% vào cuối năm nay.

Quận Hà Đông ngày càng phát triển. Ảnh: Bá Hoạt


Trong dịp kỷ niệm 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi từng nhận định: Hà Nội đã vượt qua thời kỳ sát hạch nghiêm khắc về quyết định mở rộng Thủ đô với rất nhiều thay đổi tích cực. Trong một năm tiếp theo của "thời kỳ sát hạch", trên nhiều lĩnh vực, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục có những chuyển biến về chất. Nổi bật là kết quả thực hiện Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới của Ban Thường vụ Thành ủy. Tháng 8-2013, Hà Nội chỉ có 16 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng chỉ một năm qua, Hà Nội đã tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên con số 50, giữ vị trí số một cả nước về lĩnh vực này. Không chỉ vậy, xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội còn thành công đột phá nhờ dồn điền đổi thửa. Tháng 8-2013, Hà Nội dồn điền đổi thửa được trên 35.000ha. Trong một năm qua, thành phố đã tăng gấp đôi diện tích đó, nâng tỷ lệ hoàn thành dồn điền đổi thửa toàn thành phố lên 96,1%. Dồn điền đổi thửa thành công đã mở ra cánh cửa để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Thành quả này còn tạo cho nông dân ngoại thành Thủ đô những cảm xúc chưa từng có. Nhiều người đã không chút rụt rè nói rằng: "Giờ ra đồng, nhìn những thửa ruộng thẳng tắp mà không muốn về". Đặc biệt hơn, nhờ dồn điền đổi thửa, thành phố đã có thêm 1.200ha đất dôi dư để phục vụ phát triển. Nếu cứ so sánh với việc phải chi trả hàng trăm tỷ đồng để GPMB thu hồi đất 1ha, thì thành quả dồn điền đổi thửa mang lại quả là rất lớn.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển khu vực nông thôn - ngoại thành, Hà Nội vẫn dành ưu tiên lớn cho phát triển đô thị, đặc biệt là về hạ tầng. Nhiều người nhận định, từ khi hợp nhất đến nay, Hà Nội đã mang vóc dáng khác - chững chạc, hiện đại, văn minh hơn. Quả không sai, vì chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã có thêm hàng loạt những công trình hạ tầng quan trọng như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, vừa rồi là cầu Vĩnh Thịnh, tới đây nữa là cầu Nhật Tân. Những tuyến đường Vành đai 3, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32 cũng đã hoàn thành việc xây mới, nâng cấp, sắp tới là tuyến đường cao tốc nối từ Nhà ga T2 Nội Bài về trung tâm Thủ đô (Đại lộ Võ Nguyên Giáp)... Hiện nay, hàng loạt công trình cải tạo, nâng cấp những tuyến đường giao thông huyết mạch từ trung tâm Thủ đô tỏa ra xung quanh đang được thực hiện như: Đường 5 kéo dài, Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái), đường Trần Phú - Kim Mã, đường Thanh Nhàn, đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), Vành đai 2,5 (đoạn Đền Lừ - Trương Định)... Thành phố cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cụm dự án cải tạo, xây dựng cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng. Đây sẽ là sự nối dài thành công trong việc xóa trên 60 nút ách tắc giao thông chỉ trong hai năm 2012-2013 của thành phố. Năm 2014 được thành phố chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị" nhằm hướng tới một đô thị "sáng - xanh - sạch - đẹp". Công việc này đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, bước đầu đang thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội.

Nhìn lại suốt quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính 6 năm qua, một trong những nguyên nhân thành công là Hà Nội đã chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp. Một năm qua, thành phố đã tập trung đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống. Với 15 nghị quyết, quyết định cụ thể hóa đã được thông qua, Hà Nội đã và đang thực sự tận dụng hành lang pháp lý này để phục vụ cho công tác quản lý, xây dựng và phát triển. Cùng trong thời gian này, phải kể đến việc thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Tính đến giữa tháng 7-2014, 90% công việc của đề án đã được hoàn thành. Đề án đã giúp tổ chức lại hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng thống nhất, chặt chẽ. Đây là nền tảng để bảo đảm sức mạnh của hệ thống chính trị Thủ đô bắt đầu từ cấp cơ sở. Cùng với nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hà Nội liên tục đứng trước hàng loạt những nhiệm vụ, những mong muốn, những đòi hỏi mà đời sống kinh tế - xã hội, dân sinh đang đặt ra. Nhưng nhìn lại thành tựu sau 6 năm điều chỉnh địa giới hành chính và cả một chặng đường dài trước đó, chúng ta có thể tin vào một tương lai Thủ đô sẽ ngày càng tiến bộ, lớn mạnh và rạng rỡ hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
6 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2014): Sự nỗ lực không ngừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.