Trước khi về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc ngắn gọn, chỉ hơn ngàn từ. Ở đoạn cuối của Di chúc, Người bày tỏ: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Sau 55 năm thực hiện Di chúc của Người, Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, phát triển Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
1. Cả một đời người từ lúc sinh ra, đến tuổi niên thiếu rồi trưởng thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước. Để rồi, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và thế giới.
Ngày 9-9-1969, Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Thay mặt toàn Đảng, toàn dân, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn tiễn biệt Người. Sau khi nhấn mạnh 5 lời thề, Điếu văn nêu rõ:
“Các đồng chí và đồng bào thân mến!
Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau.
Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!
Hãy nén đau thương, anh dũng phấn đấu, hăng hái vươn lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, thực hiện lời thề danh dự trong giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng này!...”.
55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Từ một quốc gia bị chia cắt hai miền, chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, ra khỏi cuộc chiến tranh với đầy thương tích, mất mát, nợ nần... để đến nay đã trở thành một quốc gia hòa bình, thống nhất, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
2. Từ hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của mình, Việt Nam đã chọn lối đi riêng để tái thiết đất nước, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Hơn thế là nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng sáng tỏ. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam. Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm. Phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... Quán triệt sâu sắc phương châm bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên... Hoàn thiện và nhận thức sâu sắc hơn về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển...
Hơn nửa thế kỷ qua, dẫu thế giới có những biến động phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Ra khỏi cuộc chiến tranh, Việt Nam là nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm pháp có lúc lên đến 774,7%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng cao, trung bình gần 7% mỗi năm.
Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt 430 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2023 tương đương 4.284,5 USD, tăng hơn 50 lần so với năm 1975 (80 USD); Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 80% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt trên 681 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, dự kiến đạt 110 tỷ USD năm 2024. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Tính lũy kế đến ngày 20-6-2024, cả nước có 40.544 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,77 tỷ USD.
Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển đã giúp cho văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm đều khoảng 1,5% - giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 xuống chỉ còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.
Đến hết tháng 6-2024, cả nước có 6.274 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỉ lệ 76,86%). Hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và đặc biệt là phủ sóng 4G đến cả những xã vùng sâu, vùng xa.
Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa Mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2023). Năm 2023, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,726, thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao của thế giới.
3. Qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã làm được rất nhiều việc. Dẫu vậy, Đảng đã nghiêm túc tự kiểm điểm, nhận ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” vi phạm, đi ngược lại những lợi ích thiêng liêng cao cả của Đảng, đi ngược lại Lời thề trước anh linh Bác Hồ, hay nói cách khác là có lúc, một bộ phận đảng viên đã không làm theo lời dạy của Người. Nhiều cán bộ, đảng viên đã không còn là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, thậm chí vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, làm tổn hại đến uy tín và thanh danh của Đảng.
Mới đây, một ngày sau khi được bầu làm người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó có đoạn: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Điều này cho thấy, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được cả hệ thống chính trị và toàn dân hưởng ứng sôi nổi hơn bao giờ hết. Đó là một minh chứng cho thấy rất rõ tình cảm thiết tha của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Bác.
Nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta không khỏi tự hào, phấn khởi, vui mừng với những điều đã làm được theo lời căn dặn của Bác. Đây cũng là dịp để thêm một lần khẳng định việc xây dựng một đảng trong sạch, vững mạnh, của dân, vì dân và do dân là con đường duy nhất để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.