(HNM) - Ngày hội sữa học đường được khởi xướng bởi Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lần đầu tiên tổ chức tháng 9-2000. Năm 2008, Chương trình sữa học đường được tổ chức tại Hà Nội.
Chương trình sữa học đường giúp trẻ em có cơ hội uống sữa miễn phí, nâng cao thể lực và trí lực.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội (Sở NN&PTNT), năm 2008 là năm đầu Hà Nội tổ chức Chương trình sữa học đường và mít tinh hưởng ứng các ngày "Uống sữa thế giới", "Sữa học đường thế giới", đồng thời tổ chức chương trình uống sữa miễn phí tại các trường học. Sau 3 năm triển khai đã có trên 50 nghìn em tại 200 trường học được uống sữa miễn phí...
Năm nay, Chương trình sữa học đường tiếp tục được tổ chức quy mô lớn trên địa bàn TP bao gồm các chương trình như uống sữa miễn phí tại nhà trường trong thời gian 10 ngày (3 lần/tuần, mỗi lần 110ml/cháu) với 12.751 cháu được thụ hưởng tại 28 trường mầm non, tiểu học thuộc 9 quận, huyện và tại 1 điểm uống sữa miễn phí trong 10 ngày được tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Ngày 1-6 năm nay, Trung tâm phối hợp với Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi - khai mạc hoạt động hè và hưởng ứng ngày "Uống sữa thế giới" năm 2011. Các hoạt động này là cơ hội để phụ huynh, giáo viên trong toàn TP và cộng đồng quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ tốt hơn nhất là việc bổ sung sữa cho các em uống hằng ngày; nâng cao số người sử dụng sữa, phát huy lợi ích từ việc sử dụng sữa tươi mang lại, nâng cao thể lực và trí lực cho con người, đặc biệt là trẻ em đang trong độ tuổi phát triển.
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội cho biết, hiện tại Chương trình sữa học đường đã phát huy được hiệu quả rất lớn trong cộng đồng nhưng vẫn còn hạn chế. Tuy chương trình đã mở rộng triển khai đến các huyện miền núi như Ba Vì, Chương Mỹ song việc tuyên truyền mới tập trung nhiều ở khu vực đô thị, quận, huyện, thị xã chưa tỏa đến các trường ở vùng sâu, vùng xa của TP. Số lượng trường triển khai chương trình còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Để chương trình thực sự là cầu nối giữa DN và người tiêu dùng, cần đổi mới phương thức tổ chức, tăng số trường tổ chức mít tinh để nâng số người dùng sữa và số người hiểu biết thêm về các chương trình, góp phần đưa Chương trình sữa học đường trở thành chương trình mục tiêu, thường xuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.