TP Hồ Chí Minh

50 năm ấy biết bao nhiêu tình...

Minh Ngọc 25/04/2025 - 07:34

Thấm thoắt đã tròn 50 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Dẫu thời gian có trôi qua, sự kiện lịch sử trọng đại ấy vẫn luôn khắc sâu trong trái tim mỗi người dân nước Việt…

Nhớ lại ngày này của 50 năm trước, bao ký ức của “một thời đạn bom, một thời hòa bình” lại ùa về trong tôi...

giai-phong-mien-nam-11.jpg
Diện mạo thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Từ ký ức tuổi thơ...

Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ngoại thành Hà Nội. Mẹ tôi là người Hà Nội gốc, còn cha tôi là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Sau khi đặt chân đến đất Bắc vào cuối năm 1954, cha tôi được đơn vị mai mối gặp mẹ tôi, khi ấy là một nữ du kích. Nhờ cùng chung lý tưởng và chí hướng, hai người nhanh chóng nên duyên vợ chồng. Thời gian đầu, gia đình tôi sống cùng ông bà ngoại. Mãi đến khi cha tôi được chuyển ngành, rời quân ngũ để tham gia xây dựng kinh tế, cả nhà mới theo cha về nhà máy, bắt đầu cuộc sống công nhân.

Trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tôi theo gia đình đi sơ tán hết tỉnh này đến tỉnh khác nên quen cuộc sống nông thôn nhiều hơn ở thành thị. Sau mỗi lần đi sơ tán về, nhìn cảnh vật tan hoang, nhà cửa bị bom cháy rụi..., tôi cùng cha mẹ, họ hàng không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Mọi người chỉ còn biết động viên nhau: “Thôi còn người là may rồi, nhà cửa sẽ xây dựng lại sau...”. Hồi đó, thế hệ “Em bé Hà Nội” chúng tôi mới 6 - 7 tuổi đã biết bện rơm làm mũ để tránh bom, biết phụ người lớn chặt tre làm hầm chữ A tránh bom, biết đi gom nhặt từng mảnh vỡ còn sót lại để kê làm bàn học...

Thương nhất là lần đến thăm cô giáo dạy văn ở phố Khâm Thiên sau trận bom B-52 hồi cuối năm 1972. Lúc đó nhà cô bị bom Mỹ san phẳng. Thấy chúng tôi đến, cô giáo che tạm áo mưa dưới hố bom để mấy cô trò hỏi thăm nhau. Gian khổ là thế nhưng chúng tôi không hề bi quan, cô giáo vẫn say mê lên lớp giảng những bài văn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng khiến chúng tôi nghe như nuốt từng lời... Nhờ cô hun đúc tinh thần yêu nước nên khi vừa đủ 18 tuổi, các bạn trai lớp tôi liền viết đơn xung phong đi bộ đội, các bạn gái thì xin vào làm công nhân ở các nhà máy với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, xứng đáng là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam...

Đến bước ngoặt cuộc đời...

Vào cuối năm 1973 và đầu năm 1974, một hôm cha tôi đi làm về, ông phấn khởi bàn bạc với mẹ tôi: “Tôi tập kết ra Bắc đã hơn 20 năm rồi, lúc nào cũng tha thiết mong được trở về miền Nam thăm ông bà, cha mẹ, anh em, bà con... Nay có lệnh “đi B”, mẹ nó và các con ở lại chờ ngày thống nhất tôi ra đón về Nam nhé!”. Nói rồi ông hướng về phía các con phân công: “Con trai lớn thì phải lo phụ mẹ chăm sóc các em; các em thì phải học giỏi, chăm ngoan nghe chưa; mai mốt ba đưa về miền Nam ăn tôm cá, trái cây thỏa thích...”.

Sáng hôm sau, tôi theo cha đi tàu điện đến cơ quan cha ở phố Lò Đúc để đăng ký danh sách “đi B”. Lúc ấy, không khí ở cơ quan của cha tôi vô cùng sôi nổi. Mọi người tụ tập rất đông, phần lớn đều là dân tập kết. Khi nghe tin sẽ được trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu, ai nấy đều mừng rỡ. Thấy mọi người rộn rã “đi B”, tôi thầm nghĩ: Sao đi vào nơi “hòn tên, mũi đạn” mà ai cũng náo nức thế nhỉ? Lúc đó dù không ai biết trước được ngày toàn thắng nhưng khí thế ra trận thật sôi nổi, hào hùng, có lẽ họ linh cảm ngày thống nhất đất nước đang đến gần...

Từ ngày cha vào chiến trường, cả nhà thỉnh thoảng nhận được thư cha gửi về. Chữ cha tôi rất đẹp, giọng văn lạc quan kể về những ngày ở chiến trường. Thời gian trôi qua nhanh. Đầu năm 1975, cha tôi báo tin vui, ông đang tham gia đoàn Quân quản trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến về Sài Gòn. Khi ấy, ở khu vực Bờ Hồ có treo một tấm bản đồ hình chữ S rất lớn. Mỗi ngày, trên bản đồ ấy lại xuất hiện thêm những mũi tên đỏ, đánh dấu các hướng tấn công của quân giải phóng. Sau giờ học, tôi cùng nhiều người háo hức chạy đến xem bản đồ, để biết được cha mình đang tiến đến đâu... Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì tin thắng trận từ các nơi đổ về dồn dập. Từ chiến thắng Tây Nguyên đến Huế, Đà Nẵng... rồi đến Phước Long, Sông Bé và cửa ngõ Sài Gòn... Cứ mỗi lần nghe tin chiến thắng là những tiếng hoan hô vang dội. Cuối cùng là bản tin lúc 11h30 phút ngày 30-4-1975 báo tin: “Quân giải phóng đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập! Chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng...”. Tất cả như vỡ òa, mọi người ôm nhau không giấu nổi cảm xúc “vui sao nước mắt lại trào...”.

Từ Sài Gòn cha tôi gửi thư về dặn mẹ con tôi chuẩn bị vào Nam ngay. Tôi là đứa khấp khởi chờ mong nhất. Sau khi lo thủ tục giấy tờ xong, cả gia đình tôi lên tàu vào Nam. Lúc còi hú chia tay, các bác, các cậu mợ và các em họ hàng bên ngoại lưu luyến, khóc ròng... khiến mọi người xung quanh phải thốt lên: “Được vào Sài Gòn sướng quá mà khóc nỗi gì...”. Chuyến tàu vào Nam chất chứa bao cảm xúc, dù đường sá còn rất vất vả do hậu quả chiến tranh để lại. Có lúc đang đi tàu thì phải “tăng bo”, xuống đi tiếp bằng xe đò, có khi lại phải lội bộ qua phà vì cầu đã bị đánh sập. Sau mấy ngày trời lặn lội gần hai ngàn cây số, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Sài Gòn, nơi cha tôi đang chờ đón. Nhà chúng tôi được cấp ở tạm là một ngôi biệt thự ở quận 1 (sau Nhà hát thành phố).

Diện mạo mới của thành phố mang tên Bác

Sinh sống, làm việc nhiều năm tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của mảnh đất này. Trước ngày giải phóng, chỉ khu trung tâm thành phố là được đầu tư khang trang để phục vụ cố vấn Mỹ và quan chức chính quyền Sài Gòn. Ra đến quận 3 sát bên, người ta đã thấy ngay cảnh tượng trái ngược: Nhà ổ chuột san sát, tạm bợ dựng ven những dòng kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Những người dân nghèo sống bằng nghề bới rác, móc bọc nilon, bán hàng rong... sống chen chúc trong những khu ổ chuột ẩm thấp, tăm tối. Tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp hoành hành khiến bức tranh đô thị nơi đây trở nên xô bồ và đầy rối ren.

Làm thế nào để đưa một thành phố xô bồ dần hình thành nếp sống văn minh đô thị? Đó là câu hỏi đặt ra cho chính quyền cách mạng mới. Nhờ có đội ngũ cán bộ tận tụy vì dân, thành phố Hồ Chí Minh từng bước vượt qua khó khăn, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi mới - khi cơ chế quan liêu bao cấp được xóa bỏ, kinh tế được mở cửa, và tư duy quản lý có bước chuyển mạnh mẽ. Chính quyền thành phố đã triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa sâu rộng từ xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đến xóa bỏ nhà ổ chuột ven kênh rạch, di dời người dân về nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn. Hàng loạt nhà tình nghĩa, nhà tình thương được xây dựng cho các gia đình chính sách và hộ nghèo. Các lớp xóa mù chữ được mở ra, cùng với chương trình “điện, đường, trường, trạm” làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thành phố cũng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông: Hàng loạt cây cầu, tuyến đường mới được xây dựng; các khu dân cư mới hình thành; sông rạch được nạo vét, cải tạo, trong đó có những công trình tiêu biểu như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Lò Gốm... Những tòa nhà chọc trời như Bitexco (69 tầng), Landmark 81 cùng các khu cao tầng mọc lên san sát ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), thành phố Thủ Đức... đã tạo nên một diện mạo mới đầy năng động cho thành phố.

Mới đây, cây cầu Ba Son hiện đại được xây dựng, soi bóng xuống dòng sông Sài Gòn, trở thành điểm nhấn mới của thành phố. Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần kết nối các khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực phát triển vùng. Nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền thành phố, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bứt phá, cùng cả nước vươn mình bước vào thế kỷ mới, đóng góp xứng đáng vào việc đưa đất nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vươn tới một diện mạo mới, ngày càng hiện đại và văn minh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
50 năm ấy biết bao nhiêu tình...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.