Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh

Lam Giang| 01/06/2022 17:57

(HNMO) - Đánh giá về tình hình thị trường trong nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương hôm nay (1-6) cho biết, nhìn chung, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng.

Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung mặt bằng giá tại thị trường trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Ảnh: L.Giang

Theo Bộ Công Thương, với những yếu tố thuận lợi như: Tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi... đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trong nước.

Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5-2022 đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 4,2% so với tháng trước nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng 22,6% (cùng kỳ giảm 1,03%).

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.257 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,58%). Thị trường hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng năm 2022 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm hàng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,1% do giá tăng. Ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình lần lượt chỉ tăng 0,2% và giảm 1,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài. Còn nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng mạnh, tăng 15,7%; du lịch tăng 34,7% do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trở lại, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.