Ngày 30-8, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo chuyên đề “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), một trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra “bầu trời” mới để Đồng Nai phát triển, trở thành một trung tâm trung chuyển của cả khu vực.
“Sau khi đi vào hoạt động, dự án có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3-5%”, ông Võ Tấn Đức chia sẻ.
Để phát huy lợi thế sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: Lập quy hoạch vùng sân bay, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay và vùng phụ cận sân bay… nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược cơ bản ở tầm quốc gia, tầm vùng, chứ không chỉ riêng cho Đồng Nai trong bối cảnh đua tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Trong đó, có việc giúp giải quyết vấn đề lâu nay là tắc nghẽn về hàng không, giao thông đô thị.
“Chính vì vậy, đầu tiên, sân bay Long Thành mang sứ mệnh giải quyết tắc nghẽn giao thông của quốc gia, kết nối vùng và kết nối Việt Nam với thế giới”, ông Trần Đình Thiên phát biểu.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong thời đại tốc độ cao, toàn cầu hóa hiện nay, sân bay Long Thành còn có sứ mệnh kết nối quốc tế để thay đổi vị thế của Việt Nam. Đồng Nai, nơi đặt sân bay Long Thành là địa điểm chiến lược cho sự lựa chọn đó để hình thành một cấu trúc phát triển mới.
Về nguồn nhân lực sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho rằng, sân bay Long Thành cần rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực này lại không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Do đó, đây cũng là một trong những thách thức lớn khi sân bay đi vào hoạt động.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra 5 thách thức mà Đồng Nai sẽ phải đối mặt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, như: Nhân lực lao động chất lượng cao cho sân bay Long Thành và nền kinh tế sân bay; hoàn thiện và kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị sân bay; phát triển các sản phẩm dịch vụ cho hoạt động bay; xử lý và kiểm soát vấn đề môi trường; an ninh kinh tế, phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
“5 thách thức này, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh phải có giải pháp, biện pháp hóa giải, biến thách thức trở thành cơ hội và tiếp tục nhận diện những thách thức mới phát sinh trong quá trình phát triển để xử lý”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.
Sân bay Long Thành được thiết kế công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Giai đoạn 1 xây đường cất hạ cánh, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Năm 2026, sân bay đi vào khai thác giai đoạn 1, cần khoảng 13.769 lao động từ phổ thông đến trên đại học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.