(HNM) - Thời điểm này của 5 năm về trước, thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội trở thành một trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Hà Nội trên đường phát triển. Ảnh: Xuân Chính |
Đường hướng tới tương lai đã rộng mở, nhưng phía trước cũng là không ít khó khăn, thử thách để đo lòng người, từ ý chí quyết tâm tới hành động cụ thể nhằm biến khát vọng thành hiện thực. Những ngày đầu sau khi thực hiện việc hợp nhất, nhìn đâu cũng thấy bộn bề công việc và với những người có tâm, có trách nhiệm với Thủ đô, tuy không nói ra nhưng mang trong mình tâm trạng băn khoăn, lo lắng là điều khó tránh khỏi. Ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân của tỉnh Hòa Bình ngày mới sáp nhập về Hà Nội, điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, có những xóm của đồng bào dân tộc điện lưới quốc gia còn chưa đến được với bà con. Còn nhớ ngày ấy, tự nhận mình là người "vùng sâu, vùng xa" của Thủ đô, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Bình (huyện Thạch Thất) Cấn Xuân Thắng phân trần, cái sự học ở đây chưa được người dân quan tâm nhiều lắm khi lo cái ăn còn chật vật. Mưa xuống, lũ về là học sinh không thể tới được trường; còn nguyện vọng của nhiều cô giáo mầm non, tiểu học trong một thời gian dài là có nguồn kinh phí tu bổ hoặc xây mới nhà công vụ để có thể yên tâm gắn bó với sự nghiệp "trồng người". Với An Phú, xã chiếm 10% diện tích của huyện Mỹ Đức, ông Chủ tịch UBND kể, đi họp lần nào cán bộ xã cũng phải "lẩn" xuống ngồi phía dưới vì đây là địa phương duy nhất của Thủ đô lúc đó còn nằm trong diện 135, tức là thuộc dạng được ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Thật là ngượng với chính cái tên An Phú. Rồi Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên… ở đâu cũng có những câu chuyện cần suy nghĩ khi người dân đã chính thức trở thành "công dân Thủ đô".
Không chỉ có nỗi lo thu hẹp khoảng cách về mặt bằng kinh tế, đời sống của người dân giữa khu vực nội thành và ngoại thành, vào thời điểm đó hàng loạt vấn đề được đặt ra trong công tác quản lý, xây dựng đô thị. Đó là việc kiểm tra, rà soát trên 600 đồ án, dự án đầu tư để phù hợp với quy hoạch của Thủ đô trong bối cảnh mới; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, lựa chọn các công trình trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công như triển khai xây cầu vượt tại các nút giao thông, mở rộng quốc lộ 32, đường Láng - Hòa Lạc, đường Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, cải thiện năng lực hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải…; tăng cường quản lý trật tự xây dựng; giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc về nhà ở, y tế, giáo dục…
Những vấn đề trên được giải quyết trong một bối cảnh có những yếu tố khách quan không thuận lợi. Trước hết phải nhắc tới trận mưa lớn lịch sử diễn ra cuối năm 2008, làm Hà Nội úng ngập trên diện rộng, gây thiệt hại về người và của tới hơn 3.000 tỷ đồng. Và đây là lần đầu tiên Hà Nội được Trung ương bổ sung vào danh sách cứu trợ do thiên tai. Tiếp đó là tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp cùng những ảnh hưởng, tác động của suy thoái, khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Nguồn lực của chúng ta vốn chưa dư dả, nay lại phải căng mình với các giải pháp hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ doanh nghiệp vượt khó, đồng thời tiêu từng đồng tiền càng phải tính toán, chắt bóp và tằn tiện.
5 năm với hơn 1.800 ngày là một khoảng thời gian không dài trong tiến trình xây dựng và phát triển của thành phố có bề dày hơn nghìn năm tuổi. Song có thể nói đây là một chặng đường đầy thử thách của Thủ đô với nhiều công việc, vấn đề phải đối diện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Như đánh giá của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, thành công lớn nhất của Thủ đô trong thời gian qua là sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đó là kết quả quan trọng nhất, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được thành tựu trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó, một phong cách làm việc mới, đầy bản lĩnh và sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm đã hình thành trong đội ngũ cán bộ khi Hà Nội lựa chọn bước đột phá vào công tác này. Có lẽ bà con người Mường ở xã Yên Trung (Thạch Thất) cảm nhận rõ nhất điều này bởi chỉ đúng 60 ngày sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính thì ánh sáng của lưới điện quốc gia đã bừng lên khắp các thôn bản. Và không chỉ có vậy, người ta nhẩm tính rằng, trong 5 năm về với Hà Nội, kinh phí đầu tư vào 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân của huyện Thạch Thất ngang bằng mức đầu tư của 30 năm trước đó. Cũng minh chứng cho sự phát triển kinh tế địa phương, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu so sánh, số thu ngân sách của huyện năm 2012 đã tăng 80 lần so với năm 2007. Và chắc chắn, trong tương lai sản xuất nông nghiệp của Phú Xuyên sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi hiện tại mới chỉ thực hiện được mô hình cơ giới hóa gần 1.000ha trong tổng số 8.500ha đất trồng lúa…
Ấy là những bước chuyển để góp phần tạo nên mức tăng trưởng kinh tế bình quân của Hà Nội trong 5 năm qua luôn lớn hơn 1,5 lần so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Một đô thị văn minh đang dần hiện rõ hình hài, một nông thôn hiện đại, giàu tính truyền thống đang hình thành nền móng, mức sống của người dân từng bước được cải thiện. Và không chỉ có vậy, hãy về Mê Linh nghe những "tỷ phú chân đất" kể chuyện trồng hoa mua sắm ô tô, rồi qua Sóc Sơn xem những đội "văn nghệ xóm" hàng tối luyện tập, lời ca tiếng hát rộn ràng đầu làng, cuối thôn…
Vẫn biết còn những chuyện chưa thật sự hài lòng, còn nhiều công việc chúng ta cần tiếp tục thực hiện, còn những vấn đề Hà Nội phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng niềm tin yêu và mong mỏi của đồng bào cả nước; song chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tựu đạt được của Thủ đô hôm nay. Đó là dấu ấn, là mốc son trong một giai đoạn phát triển mới, thực hiện một quyết định có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của thời đại. Xin được "mượn" ý tứ câu thơ của Tố Hữu thay cho lời kết:
"Năm năm mới bấy nhiêu ngày
Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.