Theo dõi Báo Hànộimới trên

4 thái độ không nên có khi đi phỏng vấn việc làm

Pha Lê| 31/08/2021 22:04

Thái độ của ứng viên khi phỏng vấn việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng để nhà tuyển dụng đưa ra quyết định cuối cùng. Ứng viên tham gia phỏng vấn bằng thái độ sai lầm sẽ phá hỏng tất cả những nỗ lực trước đó. Cụ thể, bạn nên tránh hoàn toàn 4 thái độ dưới đây khi tham gia tuyển dụng nhanh ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay nhiều nơi khác.

Thái độ dửng dưng, thiếu nhiệt tình

Dửng dưng, thiếu nhiệt tình là một trong những thái độ khiến nhà tuyển dụng dễ dàng mất thiện cảm và bạn sẽ nhanh chóng được ghi tên trong “sổ đen”:

Một số ứng viên chỉ tham gia phỏng vấn với tinh thần “đi cho biết”, đi cho có kinh nghiệm, hoàn toàn không tìm hiểu gì về công ty lẫn vị trí việc làm đang ứng tuyển. Có trường hợp, trước giờ phỏng vấn mới đến hỏi han các nhân viên của công ty để lấy những thông tin cơ bản.

Một số ứng viên khác lại lựa chọn cho mình thái độ lạnh nhạt, tỏ ra không quan tâm đến cuộc phỏng vấn vì họ nghĩ rằng nếu nhiệt tình, nhà tuyển dụng sẽ thấy bản thân họ quá cần và coi trọng vị trí đang ứng tuyển.

Thái độ thiếu tôn trọng, thiếu nghiêm túc

Nghiêm trọng hơn sự dửng dưng, thiếu nhiệt tình chính là thái độ thiếu tôn trọng, thiếu nghiêm túc của ứng viên khi tham gia phỏng vấn. Thái độ này thường được biểu hiện cụ thể qua những trường hợp như:

  • Đến phỏng vấn muộn giờ nhưng không báo trước: Khi để nhà tuyển dụng phải chờ đợi, dù đưa ra bất kỳ lý do gì (bị hỏng xe, tắc đường, nhầm địa chỉ…) thì bạn cũng cho thấy bản thân đã không chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn.
  • Không tắt chuông hoặc nghe điện thoại khi đang tham gia phỏng vấn: Đây là một việc làm tối kỵ. Rất nhiều người từng để vuột mất những cơ hội đắt giá chỉ vì hành động thiếu tế nhị này. Hãy tắt điện thoại và không nghe điện thoại riêng khi bước vào cuộc phỏng vấn. Hành động này tuy nhỏ nhưng thể hiện rõ sự chuyên nghiệp và tôn trọng của ứng viên dành cho nhà tuyển dụng và những người xung quanh. 
  • Thể hiện thái độ tiêu cực với công ty cũ, đồng nghiệp cũ: Dù bạn thôi việc ở môi trường cũ với bất cứ lý do gì, cũng đừng nên bày tỏ thái độ quá tiêu cực về những con người lẫn trải nghiệm nơi đó. Nói xấu chưa bao giờ là cách hành xử được người đối diện đánh giá cao. Thay vào đó, hãy cho thấy sự hào hứng, quan tâm của bản thân đối với những nhiệm vụ và thách thức mới. 
  • Trang phục không phù hợp: Vẻ ngoài cũng là một trong những tiêu chí để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. Thời trang công sở luôn là lựa chọn hàng đầu dành cho các ứng viên tham gia phỏng vấn. Đừng đến phỏng vấn với những bộ trang phục nhăn nhúm, luộm thuộm, cẩu thả hoặc lòe loẹt, kệch cỡm, thiếu lịch sự. 
  • Không dành cho nhà tuyển dụng lời cảm ơn sau phỏng vấn: Lời cảm ơn này không chỉ được nói sau khi cuộc phỏng vấn việc làm vừa kết thúc, mà bạn còn nên thể hiện nó qua email cảm ơn khi đã trở về nhà. Tuy đây chỉ là một hành động nhỏ, thế nhưng nếu thiếu đi, bạn sẽ trở nên kém lịch sự và thiếu chuyên nghiệp. 

Thái độ kiêu ngạo

Một số ứng viên thường nhầm lẫn sự tự tin và thái độ kiêu ngạo. Khi bạn bày tỏ: “Tôi không thật sự quá xuất sắc nhưng vẫn luôn nỗ lực và cố gắng không ngừng. Kết quả là, tôi đã đạt được giải Nhất cuộc thi A”, đây là cách bày tỏ đầy tự tin về những thành tích trong quá khứ. Ngược lại, nếu bạn hồ hởi: “Sau khi vượt qua rất nhiều thí sinh, tôi đương nhiên đã xuất sắc giành được giải thưởng danh giá nhất của cuộc thi B”. Với cách nói đầy kiêu ngạo này, bạn rất dễ đánh mất thiện cảm của nhà tuyển dụng.

Phỏng vấn không phải nơi khoe khoang bản thân là người giỏi nhất, tuyệt vời nhất. Điều quan trọng là cần chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bản thân bạn là một người có những kiến thức và kỹ năng phù hợp với vị trí công việc đang ứng tuyển. 

Thái độ thiếu đầu tư

Cuối cùng, thiếu đầu tư cũng là một trong những thái độ khi đi phỏng vấn của ứng viên khiến nhà tuyển dụng khó có thể chấp nhận. Thái độ thiếu đầu tư này thông thường được thể hiện cụ thể qua những tình huống sau:

  • Lúng túng với ngay cả với những câu hỏi liên quan tới bản thân: Nếu bạn tỏ ra lúng túng ngay cả với những câu hỏi có liên quan đến bản thân như hỏi về thế mạnh, điểm yếu, các kỹ năng… thì khả năng rớt phỏng vấn gần như chắc chắn. Sự lúng túng đó chỉ cho thấy ứng viên không hề đầu tư cho buổi phỏng vấn này dù là ở những điều cơ bản nhất.
  • Không nắm được những thông tin cơ bản về công ty và vị trí ứng tuyển: Nếu đến phỏng vấn với một cái đầu trống rỗng về công ty lẫn vị trí đang ứng tuyển, bạn chắc chắn sẽ mất sạch điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Chẳng ai muốn nhận một nhân viên hoàn toàn không biết gì về công việc mình sắp làm, công ty mình sắp cộng tác. Trước khi phỏng vấn, bạn cần dành thời gian tìm hiểu các thông tin cơ bản của công ty trên trang web của họ và ở cả những bài báo được đăng (trong thời gian gần) có liên quan đến công ty.

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả phỏng vấn chính là thái độ của ứng viên. Thái độ lịch sự, tự tin, chuyên nghiệp luôn là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa thành công. Mong rằng từ những lưu ý trong bài viết trên, ứng viên sẽ tránh được 4 thái độ không nên có khi phỏng vấn việc làm, từ đó sớm có được một công việc ưng ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
4 thái độ không nên có khi đi phỏng vấn việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.