Theo dõi Báo Hànộimới trên

30 năm ấy biết bao ân tình

Bài, ảnh: Trà My| 22/03/2014 07:19

(HNM) - Tối 18-3, các thế hệ những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về năng lượng nguyên tử cả nước đã có dịp tụ hội tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để đánh dấu sự kiện 30 năm khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân (PƯHN) Đà Lạt.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học, công nghệ cho các chuyên gia năng lượng nguyên tử Nga.



Thấm thoắt đã 30 năm, nhưng trong tâm trí của những thế hệ nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về năng lượng nguyên tử như GS Phạm Duy Hiển, GS Ngô Quang Huy, GS Nguyễn Văn Đạt, PGS Nguyễn Mộng Sinh, TS Trần Hà Anh..., hình ảnh những chuyên gia Liên Xô ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí họ. Tại đây, những người bạn đến từ Nga, Ukraine, Belarus... đã miệt mài làm việc không ngừng nghỉ cùng với các kỹ sư, công nhân Việt Nam để trong chưa đầy 2 năm, Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt (do Mỹ xây dựng từ đầu những năm 1960 và chỉ vận hành trong 5 năm 1963-1968) tái khởi động trở lại vào ngày 20-3-1984 với tên gọi lò PƯHN Đà Lạt. Lò có công suất 500 kWt, gấp 2 lần so với thiết kế của Mỹ trước đó. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, lò PƯHN Đà Lạt đã có đóng góp quan trọng trong sự phát triển một số lĩnh vực của ngành công nghiệp, y học, nông nghiệp và năng lượng hạt nhân... của nước nhà.

Điểm nổi bật của buổi gặp mặt là lễ trao Kỷ niệm chương ngành công nghệ hạt nhân của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) cho 6 nhà khoa học và cán bộ Việt Nam đã có nhiều cống hiến cho sự hiện đại hóa và phát triển của lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân. Ngoài ra, một số cán bộ, nhân viên của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng được trao giấy chứng nhận danh dự của Rosatom cho việc khôi phục và mở rộng lò PƯHN Đà Lạt trong những năm từ 1982 đến 1984. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được trao cho các đồng nghiệp Việt Nam, là chứng nhân "cho tình hữu nghị chặt chẽ giữa cộng đồng khoa học của hai nước". "Là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân, Việt Nam đã có những bước tiến lớn và đang trên lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Việt Nam đã đạt được mục tiêu này nhờ có sự nỗ lực của các cán bộ, nhân viên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt" - Phó Chủ tịch Tập đoàn Rosatom V.A.Pershukov khẳng định.

Ông V.A.Ognev, đại diện Liên minh quốc tế Các cựu chuyên gia năng lượng và công nghiệp hạt nhân và Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam đã thay mặt các cựu chiến binh Nga bày tỏ hy vọng rằng các cựu chiến binh từ hai nước sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau. "Nhiệm vụ của chúng tôi là truyền lại kinh nghiệm và kiến thức cho thế hệ sau này và để chứng minh những triển vọng về giáo dục trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân", ông V.A.Ognev nói. Ông Mikhail Shatberashvile, Thư ký thường trực Hội Hữu nghị Nga - Việt cho biết: "Tháng 3 này, các cán bộ lão thành ngành năng lượng hạt nhân của Nga đã đến Đà Lạt để cùng thảo luận với các cựu đồng nghiệp Việt Nam về việc hợp tác, bởi những kinh nghiệm và thiện chí của họ có thể giúp những người bạn Việt Nam thực hiện chương trình về năng lượng hạt nhân của nước mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải gìn giữ các truyền thống tốt đẹp nhất của tình hữu nghị hai nước và Hội Hữu nghị chúng tôi chịu trách nhiệm cho sự hợp tác đa dạng, tiến bộ liên tục giữa Nga và Việt Nam".

Sự kiện gặp gỡ các thế hệ những chuyên gia Nga tham gia khôi phục và mở rộng lò PƯHN Đà Lạt thêm một lần nữa minh chứng cho quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng khoa học hai nước Việt Nam - LB Nga. Sắp tới, mối quan hệ này sẽ ngày càng khăng khít hơn khi Việt Nam đã lựa chọn Nga làm đối tác xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, công suất 2.000 MW. Để phục vụ cho mục đích này, trong năm 2013, Rosatom - đơn vị được Chính phủ Nga giao thực hiện dự án tại Việt Nam - đã đưa sang Nga hơn 240 sinh viên để đào tạo các chuyên ngành về điện hạt nhân. Ngoài ra, Rosatomcũng tổ chức các đợt thực tập tới các cơ sở điện hạt nhân đang thi công tại Nga cho các chuyên viên của Việt Nam. Cũng trong năm 2013, 51 thực tập sinh đã hoàn thành nhiệm vụ tại các địa điểm thi công tổ máy số 3, 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Rostov nhằm chuẩn bị nhân lực cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
30 năm ấy biết bao ân tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.