Theo dõi Báo Hànộimới trên

3 ngành kiểm sát, tòa án, công an kiên quyết khắc phục oan sai

Vân An| 21/11/2013 14:46

(HNMO) – Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình. Các giải pháp khắc phục oan sai, bức cung, dùng nhục hình trong điều tra tội phạm được Chánh án cùng lãnh đạo Viện kiểm sát, Bộ Công an tập trung giải trình.

ối cao cùng lãnh đạo Viện KSND Tối cao, Bộ Công an tập trung giải trình.


Trả lời đại biểu Võ Hồng Thoại, Chánh án Trương Hòa Bình chia sẻ và thừa nhận, số liệu trẻ vị thành niên phạm tội đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo Chánh án, việc xem xét tăng mức án với đối tượng này là không nên vì trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý nên sẽ không áp dụng hình phạt cao nhất. Còn việc đưa đối tượng này ra xét xử lưu động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của người chưa thành niên sau này và nếu coi đây là hình thức để tuyên truyền, giáo dục pháp luật thì cũng không phù hợp. Do đó, cũng không nên đưa đối tượng này ra xét xử lưu động. Thực tiễn, khi đối tượng phạm tội ở tuổi chưa thành niên nhưng nếu được đưa ra xét xử khi đã thành niên thì tùy trường hợp cũng có thể xét xử lưu động.

Về vấn đề oan sai, Chánh án cho biết, oan sai thì phải bồi thường nhưng vấn đề là phải tránh để xảy ra oan sai. Ngành đặt ra 3 giải pháp đột phá: đảm bảo sự tranh tụng tại phên tòa, phát huy vai trò những người tham gia tố tụng và các đương sự; tăng cường giáo dục, đào tạo, kỷ luật, kỷ cương công vụ, thường xuyên thực hiện tốt công tác giám đốc, kiểm tra, rà soát kỹ các vụ án có đơn thư kêu oan…

Chánh án Trương Hòa Bình



Về chất lượng xử lý các vụ án hành chính, theo Chánh án, những năm gần đây, dù số lượng án giải quyết nhiều hơn nhưng chất lượng vẫn chưa được nâng cao. Ngành sẽ cố gắng đào tạo đội ngũ thẩm phán chuyên về án hành chính có bản lĩnh, đảm bảo pháp luật được thực thi, đồng thời cải tiến mô hình tổ chức của tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Về nghị định mới đây liên quan đến án treo, theo luật, tòa án tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất. Do vừa qua quy định về án treo có nhiều cách hiểu khác nhau nên Tòa án có nghị định hướng dẫn, không thể coi là Tòa án vượt quá thẩm quyền.

“Tinh thần là hệ thống tư pháp ngày càng hoàn thiện, trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, chế độ. Còn để giải quyết những vấn đề cụ thể, trong đó có khắc phục án oan, đòi hỏi pháp luật phải quy định rõ ràng hơn nữa các vấn đề về tranh tụng”, Chánh án nói.

Tham gia giải trình thêm về tình trạng oan sai, ép cung, dùng nhục hình trong điều tra, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, nguyên tắc là nghiêm cấm ép cung, dùng nhục hình và nếu cán bộ nào vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Ngành công an thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các sai phạm, nhưng cá biệt vẫn xảy ra tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận. Theo quy định, nếu để xảy ra oan sai, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cơ quan điều tra và các điều tra viên và Bộ Công an cũng có trách nhiệm về toàn bộ hoạt động điều tra, kể cả những oan sai.

Để nâng cao chất lượng điều tra vụ án, tránh oan sai, Bộ đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật về điều tra tội phạm, tạo điều kiện để người bào chữa được tham gia tố tụng; yêu cầu điều tra viên thu thập cả chứng cứ gỡ tội ngoài chứng cứ buộc tội; đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án; thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan điều tra và các điều tra viên; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trong điều tra của điều tra viên; Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự án Luật Tổ chức điều tra hình sự; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, đạo đức, pháp luật cho đội ngũ điều tra viên…

Về việc lắp đặt camera tại các phòng hỏi cung, Bộ trưởng cho biết, đây cũng là hoạt động nhằm tăng cường công tác giám sát. Bộ đang từng bước trang bị và thực tế đã lắp đặt được ở một số địa bàn trọng điểm.

Cùng tham gia giải trình về vấn đề oan sai, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, 3 ngành sẽ kiên quyết khắc phục oan sai, lọt và tình trạng này đã được khắc phục. Tuy nhiên, để xảy ra oan sai, dù với tỷ lệ nhỏ, Viện kiểm sát cũng có trách nhiệm trong việc này. Viện kiểm sát đã có những giải pháp để khắc phục oan sai ngay từ giai đoạn khởi tố, kiểm soát bản điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ gỡ tội và buộc tội; thực hiện tốt việc tranh tụng tại tòa, tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố; giải quyết thận trọng với những trường hợp có đơn tố cáo oan sai; kiểm soát chặt chẽ việc giam giữ, tạm giam; trực tiếp phúc tra một số trường hợp theo luật định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm rõ sai phạm các cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật…

Về kiến nghị của một số đại biểu về việc xem xét lại vụ án oan ở Bắc Giang, Viện trưởng cho biết, trong quá trình xem xét vụ án, Viện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, giải quyết vụ án rất thận trọng. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị tái thẩm của Viện kiểm sát và giờ phán quyết cao nhất là của Hội đồng thẩm phán, không xem xét lại vụ án nữa.

Khép lại phiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những nỗ lực của 3 ngành tòa án, kiểm sát, công an trong công tác điều tra, xét xử, thi hành án. Chủ tịch lưu ý, ngành tòa án phải nỗ lực xây dựng được lực lượng đủ cả về lượng và chất, trong đó chú trọng đào tạo, đào tạo lại, phân bổ lại cán bộ, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có đức, có tài, liêm chính; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng xét xử… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
3 ngành kiểm sát, tòa án, công an kiên quyết khắc phục oan sai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.